|
|
Húng quế dù tốt cho sức khỏe nhưng vẫn tồn tại một số tác dụng phụ. Ảnh: Thanh Ngọc |
Húng quế tốt cho quá trình trao đổi chất và năng lượng
Ông Sharath Arora, người sáng lập và là giáo viên yoga tại Trung tâm Yoga Himalayan Lyengar, Dharamkot, Himachal Pradesh (Ấn Độ) - cho biết, lá húng quế rất thông dụng bởi được dùng như một loại gia vị cho bữa ăn hoặc được áp dụng trong các bài thuốc dân gian, nhất là quá trình trị ho và long đờm.
Hạt húng quế có thể chống táo bón, trong khi lá của chúng có thể trị cảm, sốt và hạ nhiệt khi đun lá lấy nước uống. Bên cạnh đó, loài cây này cũng có khả năng sát trùng, tiêu diệt nấm mốc.
Đặc biệt, tiêu thụ lá húng quế khi bụng đói có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của bạn một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Khả năng tăng cường tiêu hóa và giải độc của lá húng quế có thể tối ưu hóa quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và sản xuất năng lượng, dẫn đến tăng cường sức sống trong suốt cả ngày.
“Tác dụng làm dịu của húng quế đối với hệ thần kinh cũng có thể góp phần duy trì mức năng lượng và giảm mệt mỏi”, ông Sharath Arora nói.
Tác dụng phụ
Ông Arora lưu ý rằng, mặc dù húng quế có nhiều lợi ích, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến các tác dụng phụ như làm loãng máu và hạ đường huyết và có thể dẫn đến khó tiêu.
Bên cạnh đó, eugenol là thành phần chính trong rau húng quế. Nếu ăn quá nhiều lá húng quế có thể dẫn đến quá liều eugenol, gây ngộ độc cho cơ thể. Khi dư thừa quá nhiều Eugenol có thể khiến ho, thở gấp và có lẫn máu trong nước tiểu.
Húng quế khá an toàn cho phụ nữ mang thai bởi hàm lượng dinh dưỡng của nó bao gồm vitamin, có thể góp phần vào sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nên dùng điều độ để tránh các nguy cơ tiềm ẩn.
Nếu bạn đang mang thai, cho con bú, đang dùng thuốc (đặc biệt là thuốc làm loãng máu hoặc thuốc tiểu đường) hoặc có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa húng quế vào thói quen hằng ngày của bạn.
Theo laodong