|
|
Đau họng có thể không phải do Covid-19 hay cúm. Ảnh:Everlywell. |
Theo Fortune, nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, cúm và RSV ngày càng gia tăng. Vì vậy, khi bạn vừa thức dậy và có cảm giác đau họng, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.
Tiến sĩ Barbara B. Bawer, bác sĩ y học gia đình tại Đại học Y khoa Wexner thuộc Đại học Bang Ohio, cho biết: “Khi bạn vừa thức dậy với cơn đau họng, rất khó để biết liệu bạn bị nhiễm vi khuẩn hay virus hay không nếu không được xét nghiệm trực tiếp. Một số nguyên nhân khác của cơn đau họng có thể là dị ứng, trào ngược axit hoặc thiếu độ ẩm trong phòng ngủ".
Nguyên do của đau họng khi vừa thức dậy
Chứng đau họng có thể báo hiệu Covid-19 hoặc liên cầu khuẩn, hoặc có thể là một cơn cảm lạnh khó chịu sắp ập đến. Tiến sĩ Mark Russo, bác sĩ tai mũi họng tại MedStar Health ở Washington, Mỹ, cho biết virus cúm và liên cầu khuẩn ít có khả năng là nguyên nhân gốc rễ nếu cảm giác đau họng biến mất sau buổi sáng.
Đau họng vào buổi sáng, đặc biệt nếu nó xảy ra thường xuyên, có thể do kích ứng của không khí khô. Trong trường hợp đó, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ và việc tắm nước nóng khi thức dậy cũng sẽ hữu ích. Ngoài ra, một tách trà nóng cũng là ý kiến hay để làm dịu cơn đau họng.
Bác sĩ Mark Russo nói: "Hơi ấm giúp làm dịu cổ họng bằng cách thư giãn các cơ, thúc đẩy tiết nước bọt và bôi trơn cổ họng".
|
|
Uống nước ấm khi vừa thức dậy giúp làm dịu cổ họng bằng cách thư giãn các cơ, thúc đẩy tiết nước bọt. Ảnh:Palermo Village Dental. |
Dị ứng là một "thủ phạm" phổ biến khác. Chúng có thể gây chảy dịch mũi, nghĩa là chất nhầy nhiều hơn chảy xuống và gây kích ứng cổ họng khi bạn đang ngủ. Bác sĩ Mark Russo khuyên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc thử dùng thuốc dị ứng không gây buồn ngủ để xem liệu nó có tạo ra sự khác biệt.
Bác sĩ Mark Russo cho biết chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một tình trạng mà bạn ngừng thở trong vài giây vào ban đêm, cũng có thể xảy ra. Nếu đối phương phàn nàn bạn ngáy to hoặc bạn thường cảm thấy mệt mỏi trong ngày dù đã ngủ đủ 8 tiếng, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ xem bạn có nên đi kiểm tra tình trạng này hay không.
Một nguyên nhân khác là trào ngược axit, khi nó xảy ra mạn tính, được gọi là GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản). Thức dậy với cơn đau họng có thể do axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Ngoài ra bạn cũng có thể có cảm giác nóng rát ở ngực (ợ chua) hoặc ho khan.
Nghiên cứu đã chỉ ra quá trình chuyển từ ngủ sang thức có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng GERD ở một số bệnh nhân và việc ra khỏi giường càng sớm càng tốt sau khi bạn thức dậy có thể hữu ích. Ngoài ra, mọi người hãy cố gắng ăn nhẹ hơn vào buổi tối và kê cao đầu khi ngủ. Nếu những lời khuyên trên không hiệu quả, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về việc dùng thuốc.
|
|
Không khí trong phòng ngủ quá khô cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đau họng khi vừa thức dậy. Ảnh:Dental Implant and Specialist Centre. |
Đau họng là dấu hiệu của bệnh gì?
Nếu cơn đau họng của bạn đi kèm với sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, có thể bạn đang phải đối mặt với một số loại bệnh truyền nhiễm. Cảm cúm thường đi kèm đau nhức, mệt mỏi toàn thân trong khi đó Covid-19 có thể đi kèm với ho và mệt mỏi, cũng như mất vị giác và khứu giác.
Tiến sĩ Barbara B. Bawer cho biết RSV chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng nếu nhiễm phải nó, bạn có thể hắt hơi (ngoài ra còn sốt, đau họng và sổ mũi).
Nếu đó là liên cầu khuẩn (vi khuẩn chứ không phải virus như Covid-19, cúm và RSV), bạn có thể sẽ không nghẹt mũi hay ho. Thay vào đó, bạn có thể bị sốt, có đốm đỏ hoặc trắng ở trong cổ họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Liên cầu khuẩn là loại vi khuẩn duy nhất trong số các loại vi khuẩn nêu trên cần dùng kháng sinh. Nếu bạn xét nghiệm và kết quả mắc Covid-19 hoặc cúm, bạn cần uống thuốc kháng virus. Nếu không, bạn hãy nghỉ ngơi, uống nhiều nước ấm và uống thuốc giảm đau/hạ sốt nếu cần.
Súc miệng bằng nước muối, ngậm viên ngậm giảm đau họng, uống trà với mật ong và sử dụng thuốc xịt gây tê có thể giúp giảm đau họng. Bên cạnh đó, bác sĩ Barbara B. Bawer khuyên bạn nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống có khả năng gây kích ứng như bánh mì nướng khô, thực phẩm có tính axit như nước cam, cà phê, rượu và thức ăn cay.
Theo zingnews