Một người đàn ông e ngại, che giấu khi khám sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - Ảnh: LÊ TỨ

 

Đàn ông hay phải "gồng" bao lo cho bạn gái, "gánh nặng" trên bàn nhậu khi mình yếu tửu lượng, yếu về sức khỏe, về độ chinh phục bạn gái…                                                                                                              

Ông Đào Lê Hòa An (chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) 


Nếu như phụ nữ dễ dàng chia sẻ những điều về bản thân, về cuộc sống bao nhiêu thì đàn ông là ngược lại. Có người khó nói về vấn đề tiền bạc, kinh tế với người mình yêu, với vợ có người lại khó nói về sức khỏe sinh sản, về độ nam tính, người thì hoang mang về sự quyết đoán, nhu nhược của mình...

Khó nói khi... yếu, thiếu

"Bạn tôi khi đó đã 22 tuổi rồi nhưng gặp phải tình trạng là một bộ phận trên cơ thể khác thường với những người đàn ông khác, lo nhưng không biết nói cùng ai, ấp úng giấu mãi rồi cuối cùng chịu nói thật với tôi là vừa "cua" được một em, nhưng đến tuổi rồi "họa mi" không chịu "hót". Nhưng trước khi nói với tôi, anh bạn tự tìm kiếm giải pháp là đi "massage" ở vài nơi, nhưng "chim họa mi" vẫn không "mở mắt", tình trạng vẫn không cải thiện được" - một chuyên gia tâm lý ở TP.HCM kể lại.

Ở mỗi người đàn ông, ít nhiều vẫn có những điều khó nói, chẳng hạn như câu chuyện của anh P.Q.T. (Q.7, TP.HCM) đang làm truyền thông cho tập đoàn bất động sản, mức lương đủ sống, anh đang có người yêu nhưng lòng anh luôn nặng nề. 

Anh chia sẻ: "Yêu đương thì thường xuyên hẹn hò, rồi gặp gỡ bạn của bạn gái, đó là chưa kể thi thoảng phải dắt người yêu shopping. Đàn ông phải hào phóng, phải lo cho người mình yêu nên lúc nào tôi cũng tỏ ra mình ổn về kinh tế, nhưng không ai biết là tôi phải vay tiền chỗ này chỗ kia để mạnh dạn hơn khi ra đường".

Tương tự, có câu chuyện về một người bạn của TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, vì năng lực về mọi việc trong cuộc sống đều thua vợ, nên luôn mang trong mình sự tự ti khó nói. 

Ông kể: "Vợ chồng người bạn tôi ban đầu hạnh phúc như bao gia đình, nhưng cô vợ rất giỏi, giỏi kiếm tiền, ngoại giao, nuôi con, thậm chí giỏi cả chuyện phòng the. Dần dà anh bạn thấy mình như bị lép vế, thua vợ, cảm giác vợ lấy mình về để cô ấy làm... chồng. Anh bạn tự thấy áp lực, tinh thần stress, xa dần trong việc gần gũi vợ, lâu dần thành ra yếu sinh lý, lãnh cảm".

Ngoài ra, không ít trường hợp đàn ông vì công việc căng thẳng, lo toan cuộc sống dẫn đến việc chăn gối không thuận buồm xuôi gió.

Phụ nữ phải gieo sự tự tin cho đàn ông

Mặc định của người đàn ông là phải mạnh, nên có những điều liên quan, những thầm kín, tâm lý chung là ngại chia sẻ, che giấu. Nhưng để mọi thứ được cởi mở, được cân bằng là một vấn đề mà cả đàn ông lẫn phụ nữ đều quan tâm. Không nhất thiết cứ là đàn ông thì phải mạnh.

Chuyên gia tâm lý Bùi Hồng Quân, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng bản thân người đàn ông ai cũng có những khó khăn cả, có rất nhiều vấn đề mà đàn ông khó nói.

"Cái đầu tiên khi họ gặp áp lực, đàn ông không có xu hướng chia sẻ, họ rất khó đi chia sẻ vì sợ bị dìm và sợ người ta nhìn thương hại, sợ người phụ nữ nghĩ mình yếu đuối, không có sức mạnh, đứng trước một điều khó nói. Nếu là phụ nữ, rất dễ chia sẻ với người khác nhưng đàn ông lại khó hơn nhiều. Ví dụ khi nói về ước mơ, đàn ông sẽ dè chừng hơn, ngại chia sẻ dự định của mình trong tương lai vì ở họ lời nói đi đôi với việc làm", chuyên gia này nói.

Ngoài ra, sự yêu và ghét của đàn ông cũng khác, phụ nữ dễ thổ lộ như "em yêu anh", "vợ yêu chồng" nhưng đàn ông thể hiện bằng hành động, sự quan tâm, chăm lo khác nhưng để nói ra cũng là điều khó. Sự ghét cũng vậy.

Hầu hết các lĩnh vực thì mức độ chia sẻ và thể hiện với người khác, đối với đàn ông không dễ. "Nguyên nhân là xét nhìn dưới góc độ văn hóa và giáo dục. Văn hóa mình là văn hóa phương Đông, đàn ông là trụ cột, mà trụ cột thì phải vững nên họ không cho phép mình mềm dẻo. 

Thêm nữa là do giáo dục, từ nhỏ, ví dụ bé gái ngã thì khóc nhưng bé trai ngã mà khóc thì người lớn thường nói con trai mà tại sao lại phải khóc. Cách giáo dục như vậy nên khi lớn lên đàn ông khó biểu lộ cảm xúc, khó chia sẻ" - chuyên gia tâm lý Bùi Hồng Quân cho biết.

Phụ nữ cần được yêu, đàn ông cần được hiểu, nên để mở được lòng người đàn ông, chuyên gia này khuyên rằng người phụ nữ hãy hiểu người đàn ông của mình, hiểu ở đây là xem người đàn ông thuộc loại nào, tức là sẵn sàng thể hiện bằng lời nói hay không, hay thông qua hành động. Người phụ nữ hãy chủ động nói chuyện, thấu cảm.

"Cái gì liên quan đến yếu, thiếu là người đàn ông giấu vì trái đi vai trò đặt để của họ. Là phái mạnh phải mạnh mẽ trụ cột, bảo vệ... ngược lại vai trò đó họ không muốn người khác biết. Người phụ nữ phải làm cho đàn ông tự tin về chính bản thân họ, khi họ tự tin thì đáp ứng vai trò về sự đặt để, gia đình sẽ hạnh phúc, tình cảm yêu đương, các quan hệ khác cũng bền vững" - chuyên gia Đào Lê Hòa An khẳng định.

Tại sao đàn ông Việt Nam "khổ"?

Không khó để nhận thấy xu hướng thiếu nữ cày truyện ngôn tình Trung Quốc, thiếu phụ cày phim bộ Hàn Quốc rất phổ biến ở đô thị Việt Nam. Hầu hết những nhân vật nam trong truyện hay trong phim ngôn tình đều mạnh mẽ, đặc biệt là si tình, sống chết vì người mình yêu.

Còn hình ảnh người đàn ông Việt Nam trên phim truyền hình hiện nay thì sao? Vừa qua fanpage của VTV Giải trí mở cuộc bình chọn vui "mẫu đàn ông lý tưởng cho các chị em lựa chọn". Khán giả thấy những ai? Khán giả thấy những nhân vật nam quen thuộc trên truyền hình, kẻ trợn mắt bóp cổ người tình, người thì nhu nhược "bám váy" mẹ.

Phim truyền hình bám rất sát đời sống xã hội, nên khi họ phản ánh nam tính đang suy giảm thì có thể tin (một phần) rằng nam tính ở ngoài đời đang có xu hướng suy giảm thật. Ngoài ra xu hướng phụ nữ cắm mặt vào phim, truyện ngôn tình phần nào cho thấy khi họ tìm thấy quá ít nam tính ở ngoài đời, họ sẽ bù lấp bằng những sản phẩm văn hóa tưởng tượng.

Bệnh nhân làm xét nghiệm nam học tại phòng khám nam khoa ở Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chính vì thế, làm đàn ông ở Việt Nam hiện nay rất khổ! Vì sau khi đọc truyện và xem phim xong, tiêu chuẩn của chị em dành cho đàn ông bỗng dưng... tăng vọt. Các anh làm sao có thể vượt qua được những nhân vật hư cấu, trong khi các anh đã và đang thừa hưởng cách giáo dục rất bất lợi cho những ai thuộc về giới tính nam?

Không khó để nhận thấy ngày nay giáo dục con cái tại gia đình phần lớn do phụ nữ đảm nhiệm, còn ở trường học, tại mọi cấp học cô giáo vẫn là lực lượng áp đảo.

Do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội nên các gia đình có xu hướng dạy trẻ gái biết làm mọi việc trong gia đình, còn trẻ trai chỉ cần tập trung vào việc học sau này phát triển sự nghiệp.

Hệ lụy là khi kết hôn, người phụ nữ phải lo toàn bộ việc nhà, trong khi vẫn phải gánh vác công việc xã hội. Còn người đàn ông chỉ lo việc xã hội, về đến nhà thì ít khi mó tay vào rửa chén quét nhà. Dẫn đến tình trạng khi đàn ông buộc phải làm, họ làm rất dở, hoặc phản kháng không chịu làm. Hậu quả gia đình mất cân bằng, lục đục.

Người đàn ông Việt Nam đang mắc kẹt. Nam tính ở Việt Nam được định nghĩa ở khả năng phát triển sự nghiệp, kiếm ra tiền, tỏ ra mạnh mẽ, biết kiềm chế cảm xúc... Nhưng giáo dục lại không có những chương trình tương tác cụ thể để giúp người đàn ông trở thành con người như vậy.

Người đàn ông lớn lên thiếu rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sức khỏe sinh sản, am hiểu việc chăn gối, trong khi áp lực xã hội, kỳ vọng của gia đình đặt lên vai họ chưa bao giờ giảm, dẫn đến rất nhiều hệ lụy về mặt tâm lý. Họ không dám bày tỏ những lo sợ, thất vọng bên trong, họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, gặp nhiều trắc trở trong đời sống lứa đôi.

NGỌC DIỆP

Theo tuoitre