Trong những ngày đầu khi áp dụng chế độ ăn kiêng, cơ thể vì thiếu calo nên sẽ huy động lượng glycogen dự trữ sẵn trong gan và cơ bắp. Glycogen là loại đường glucose có nguồn gốc từ tinh bột, theo chuyên trang sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

Tại sao không giảm mỡ dù đã ăn kiêng ? - Ảnh 1.

Khả năng đốt calo của cơ thể giảm do suy giảm khối lượng cơ và tốc độ trao đổi chất chậm lại sẽ khiến khó giảm mỡ

SHUTTERSTOCK

Các phân tử tinh bột lại liên kết với nước. Điều này có nghĩa là khi cơ thể dự trữ glycogen thì cũng dự trữ kèm theo nước. Lượng glycogen dự trữ này chỉ có thể dùng trong vài ngày. Sau vài ngày, glycogen dự trữ sẽ được dùng hết và cơ thể cũng thải ra lượng nước đáng kể. Số cân giảm được trong giai đoạn này do đó được gọi là trọng lượng nước. Đến lúc này, cơ thể sẽ chuyển hóa mỡ thừa thành năng lượng để cung cấp cho hoạt động cơ thể.

Tuy nhiên, không phải mọi loại mô đều dùng mỡ thừa làm năng lượng, chẳng hạn như bộ não. Khi đó, protein được dự trữ trong cơ bắp sẽ được chuyển hóa thành đường glucose để tạo năng lượng. Hệ quả là các khối cơ nhỏ lại.

Cơ đốt calo nhiều hơn mỡ. Việc mất cơ cộng với quá trình trao đổi chất chậm lại do ăn kiêng sẽ khiến lượng calo tiêu hao trong cơ thể sụt giảm. Cuối cùng, dù đang có cố gắng ăn kiêng nhưng cơ thể không còn thâm hụt calo như ban đầu nữa.

Để ngăn tình trạng không thể giảm mỡ dù đã ăn kiêng, cách tốt là đồng thời kết hợp tập thể dục thường xuyên với ăn đủ protein. Ăn đủ protein sẽ giúp ngăn tình trạng mất cơ, duy trì tốc độ trao đổi chất và khả năng đốt calo của cơ thể.

Mỗi người nên nạp ít nhất 0,8 gram protein/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng protein này không nên quá 2,5 gram/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày vì có thể tác động xấu đến quá trình trao đổi chất, đồng thời gây áp lực lớn lên gan và thận. Khi tập thể dục, người ăn kiêng nên kết hợp cả tập nâng tạ và các bài sức bền như chạy bộ, đạp xe, theo Everyday Health.

Theo Thanh niên