Sau đây, chuyên gia dinh dưỡng Laura Burak, người sáng lập Trung tâm dinh dưỡng GetNaked Nutrition (Mỹ), sẽ tiết lộ lý do tại sao bạn không nên uống cà phê khi chưa tỉnh rượu, theo chuyên trang sức khỏe Live Strong.

Tại sao không nên uống cà phê sau khi nhậu say? - Ảnh 1.

Uống cà phê khi đang say có thể khiến tình trạng khó chịu của bạn càng nặng hơn

Shutterstock

1. Mất nước gấp đôi

Mất nước là nguyên nhân gây ra cảm giác khó chịu như mệt mỏi, buồn nôn và chóng mặt khi say rượu. Và tách cà phê buổi sáng khi chưa tỉnh rượu có thể gây mất nước nghiêm trọng hơn, càng gây đau đầu dữ dội. 

2. Có thể làm gia tăng sự lo lắng

Theo Bệnh viện Northwestern Medicine‌ (Mỹ), uống rượu có thể ảnh hưởng đến mức dopamine, phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh khác và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng vào ngày hôm sau.

Thêm một tách cà phê có thể càng làm cho tâm trạng tồi tệ hơn. Chuyên gia Burak cho biết, do caffeine làm tăng cảm giác lo lắng và bồn chồn ở một số người.

3. Có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa

Theo Cleveland Clinic, rượu mạnh có thể phá hoại cả dạ dày, làm hỏng hệ thống tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn và đau bụng. Thêm tách cà phê có thể làm tăng gấp đôi những vấn đề này ở dạ dày. Chuyên gia Burak nói: "Rượu có thể làm rối loạn đường tiêu hóa, và cà phê cũng vậy".

Theo Phòng khám Cleveland, caffein có tác dụng kích thích, tăng tốc độ co bóp trong ruột, hàm lượng axit và chất béo có trong cà phê còn có thể gây đầy hơi khó chịu, ợ nóng và trào ngược axit.

Chuyên gia Burak khuyên: Nếu bị đau bụng, hãy tránh cà phê mà nên uống nước nhằm giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhanh hơn.

4. Có thể làm gián đoạn giấc ngủ

Ban đầu rượu có thể gây buồn ngủ. Nhưng trong đêm, nó có thể phá hoại giấc ngủ.

Chuyên gia Burak giải thích, thêm một chất kích thích khác như caffein sẽ tệ hơn nữa. Nếu thường xuyên sử dụng kết hợp rượu và caffein, tình trạng thiếu ngủ có thể trở thành vấn đề lớn.

Vậy thì nên uống gì để "giải rượu"?

Theo chuyên gia Burak, các loại nước sau sẽ giúp phục hồi chất lỏng và chất điện giải bị mất:

Nước lọc, nước điện giải, đồ uống thể thao (lượng vừa phải để hạn chế đường), nước ép trái cây tự nhiên (không đường), theo Live Strong.

Theo Thanh niên