Chị Thanh, 40 tuổi, ở Hưng Yên, đẻ 3 đứa con gái, đang lo mình sẽ giống như mẹ, phải sinh đến lần thứ 7 mới có được con trai. Vợ chồng chị làm việc đồng áng, chăm đàn lợn, kinh tế khó khăn. Bố mẹ chồng lúc nào cũng giục đẻ tiếp đến bao giờ có thằng cu "nở mày nở mặt" thì thôi. "Gia đình ở quê nên áp lực sinh con trai nối dõi tông đường đè nặng", chị Thanh chia sẻ.
Thế nhưng nhà nghèo, nếu đẻ tiếp mà lỡ con gái nữa thì vợ chồng chị không thể nuôi nổi. Năm ngoái, mang thai thứ tư, biết đứa bé trong bụng lại là con gái, chị đã âm thầm phá bỏ, hy vọng lần sau sẽ sinh được con trai. "Nếu lần sau lại là con gái, chắc tôi không thể giữ", chị cho biết.
Ngọc Linh, 27 tuổi, ở Sơn La, kết hôn với chồng là cháu trai đích tôn của dòng họ nên cũng mang gánh nặng phải sinh con trai. Hai vợ chồng thuê nhà ở Hà Nội, làm việc, thu nhập khoảng 15 triệu một tháng, nên gặp áp lực kinh tế.
Xác định "phải cố gắng sinh con trai", song không phải muốn đẻ trai hay gái đều được, chưa kể nuôi một đứa con tốn kém đủ bề. Linh tính ngoài chi phí cơ bản là quần áo, tã, bỉm, sữa..., khi sinh con, một thành viên trong gia đình phải nghỉ làm để trông con, như vậy người còn lại không kham nổi gánh nặng kinh tế. Con lớn lên còn phải chi phí ăn học, vui chơi... Vì vậy, khi chuẩn bị mang thai lần đầu, vợ chồng Linh đã âm thầm tìm hiểu và sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh để làm sao đẻ được con trai.
Theo báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới năm 2021 công bố cuối tháng 10, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong khi đó, tỷ số thông thường ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch cao nhất, khoảng 115,5/100. Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở miền Bắc, gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định ba nhân tố tác động đến mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, trong đó, nguyên nhân sâu xa do ảnh hưởng của Nho giáo, bất bình đẳng giới.
Nho giáo có quan điểm "trọng nam, khinh nữ" rất rõ ràng và cực đoan. Nho giáo đặt phụ nữ ở địa vị thấp kém, "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", thậm chí còn cho rằng, "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (Một trai là có, mười gái coi như không)... Sợi dây tâm thức xã hội vô hình nhưng có sức mạnh bền bỉ, buộc nhiều người Việt vào mục tiêu phải có con trai, tạo thành một áp lực suốt đời không chỉ là của bản thân mà còn của gia đình, họ hàng và cộng đồng, xã hội.
Thứ hai, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp. Trong nền sản xuất phổ biến là nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và trình độ thủ công, sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, đi biển và khai thác rừng... Năng suất lao động khu vực nông nghiệp thấp nên cha mẹ thường không có tích luỹ để dành cho tuổi già, đại đa số không có lương hưu, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển. Vì vậy, khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con trai.
Thứ ba, nguyên nhân dẫn tới chênh lệch giới tính đến từ việc lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Ngày nay, có thể chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và việc phá thai ngày càng thuận tiện, an toàn. Vì vậy, nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ, người ta có thể phá thai. Bên cạnh đó, sự ra đời của công nghệ hiện đại, khiến việc lựa chọn giới tính khi sinh trở nên khả thi với nhiều gia đình. Công nghệ mới một mặt hỗ trợ phát hiện và giảm thiểu tai biến trong quá trình mang thai và sinh con. Mặt khác nó cũng hỗ trợ việc xác định giới tính của em bé trước khi chào đời, và tạo điều kiện cho việc lựa chọn giới tính trước sinh.
Tình trạng dư thừa nam giới dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là sức ép hôn nhân, tức nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Điều này làm mất cân bằng cấu trúc dân số, từ đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình...
Hiện nay mức sinh ở Việt Nam giảm tương đối nhanh và số con mà một cặp vợ chồng có thể sinh đang ít đi. Điều này tạo ra áp lực khiến các cặp vợ chồng phải sử dụng những biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh để sinh được con trai, ông Cử cho hay.
Theo vnexpress