Tầm quan trọng của tiêm vaccine bạch hầu
Cập nhật lúc 23:49, Thứ năm, 07/12/2023 (GMT+7)
Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm. Người bệnh và người lành mang vi khuẩn vừa là ổ chứa đồng thời cũng là nguồn lây truyền bệnh. Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vaccine.
Bệnh bạch hầu ảnh hưởng đến các cơ quan nào trong cơ thể?
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 đến 5 ngày hoặc có thể lâu hơn. Khi mắc bạch hầu, các loại độc tố tiết ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể đó là liệt cơ, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và dẫn đến tử vong rất nhanh.
Ngoài hệ hô hấp, vi khuẩn bạch hầu còn có thể gây tấn công vào da gây nhiễm trùng da với các biểu hiện như mụn nước có mủ ở chân và tay, vùng da xung quanh mụn nước xuất hiện vết loét lớn có thể có giả mạc gây đau đớn cho người bệnh...
Tầm quan trọng của việc tiêm ngừa vaccine bạch hầu
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm ngừa vaccine bạch hầu đúng lịch và đúng liều lượng cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời và tiêm đầy đủ những mũi nhắc lại để tạo miễn dịch hoàn thiện nhất. Việc phải tiêm mũi nhắc lại vì các vaccine chỉ tạo được miễn dịch để bảo vệ cơ thể trong một giai đoạn nhất định.
Những lợi ích tiêm và tiêm mũi nhắc lại vaccine bạch hầu:
- Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do vi khuẩn bạch hầu cho trẻ.
- Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 3 tháng tuổi) chưa được chủng ngừa đầy đủ trong cùng một gia đình.
- Tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng rãi.
- Giảm các chi phí phát sinh khi mắc bệnh.
Ai cần tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu
Trẻ em
Trẻ từ 4 – 7 tuổi và từ 9 – 15 tuổi. Nhóm tuổi này, đề kháng miễn dịch với vi khuẩn bạch hầu của trẻ đã suy giảm đáng kể. Hơn nữa, tuổi này lại sống và học tập trong môi trường đông đúc, gặp gỡ giao lưu, các hoạt động vui chơi, giải trí cũng nhiều hơn...
Người lớn
Người cao tuổi hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể cũng suy yếu, như thế miễn dịch từ việc tiêm ngừa vaccine bạch hầu trước đó cũng mất dần. Tiêm vaccine bạch hầu cho người lớn được thực hiện với 1 mũi tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14-16 tuổi.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai bà bầu rất dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công nên tốt nhất là chị em nên tiêm nhắc lại để phòng ngừa tuyệt đối, giảm thiểu các rủi ro đến sức khỏe trong suốt thai kỳ.
Người chưa được tiêm phòng bạch hầu hoặc không nhớ lần cuối cùng tiêm khi nào thì tiêm ngay 2 mũi cách nhau 30 ngày, sau đó tiêm nhắc lại với mũi thứ 3 sau 6 - 9 tháng sau mũi thứ 2.
Tại Việt Nam, tất cả trẻ em đều cần được tiêm phòng vaccine bạch hầu ở trong dạng phối hợp với các vaccine khác bao gồm 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18- 24 tháng tuổi. Đối với trẻ lớn, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai, sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/ lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.
Người chưa từng tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm 3 liều:
- Lần 1: bất kỳ lúc nào.
- Lần 2: cách lần 1 tối thiểu 1 tháng.
- Lần 3: cách lần 2 tối thiểu 5 tháng.
- Có thể tái chủng mỗi 10 năm
|