Nếu bạn có tâm trạng thất thường, có thể liên quan đến một số bệnh như: bệnh tim, bênh phổi, tiểu đường, cường giáp, suy giáp, Parkinson, Alzheimer, thoái hóa thần kinh Huntington và rối loạn tiêu hóa - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Khi nghĩ đến bệnh nghiêm trọng, mọi người thường nghĩ rằng phải có triệu chứng rõ ràng về bệnh lý.

Nhưng thực tế, có khi tâm trạng thất thường và thay đổi tâm trạng có thể là dấu hiệu nhận biết nhiều bệnh nguy hiểm, như:

1. Cảm giác tuyệt vọng: Bệnh tim

Cảm thấy như một điều cực xấu sắp xảy ra - có thể là dấu hiệu của bệnh tim hoặc cơn đau tim. Thạc sĩ y khoa người Anh, Laurence Gerlis, giải thích rằng triệu chứng này là hậu quả của việc thiếu ô xy lên não.

Và phụ nữ cần đặc biệt cẩn thận, theo Hệ thống Y tế Đại học Duke (Mỹ). Phụ nữ thường có linh cảm xấu khi họ mắc bệnh tim hoặc có nguy cơ bị cơn đau tim, theo Best Life.

2. Mất phương hướng: Bệnh phổi

Bác sĩ chuyên khoa phổi Ragheb Assaly, từ Đại học Toledo (Mỹ), cho biết bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính có nguy cơ cao bị nhầm lẫn và mất phương hướng.

Ví dụ, bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu bị viêm phổi hoặc nhiễm trùng, sẽ có nồng độ ô xy trong máu trở nên thấp hơn, dẫn đến triệu chứng nhầm lẫn.

3. Dễ bị kích động: Bệnh tiểu đường

Tiến sĩ Anis Rehman, từ Trường Y đại học Southern Illinois (Mỹ), cho biết sự thay đổi lượng đường trong máu khiến bệnh nhân tiểu đường dễ bị kích động. Ông nói, chú ý đến các dấu hiệu tinh tế như cáu kỉnh có thể giúp chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tiểu đường, theo Best Life.

4. Trở nên nóng tính: Suy giáp

Nếu gần đây trở nên nóng nảy bất thường, đó có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém. Theo Tổ chức Tuyến giáp Anh, những thay đổi nhanh chóng về nồng độ hoóc môn tuyến giáp có thể gây ra cáu gắt.

Các triệu chứng khác của bệnh suy giáp gồm tăng cân, khó ngủ, rụng tóc và đổ mồ hôi.

5. Căng thẳng thần kinh: Cường giáp

Ngược lại, nhiều hoóc môn tuyến giáp lại kích thích thần kinh, nên nếu tuyến giáp hoạt động quá mức, hệ thần kinh sẽ trở nên quá tải, bác sĩ nội tiết người Mỹ, Marie Bellantoni, lưu ý. Đó là lý do tại sao nhiều người bị cường giáp cảm thấy căng thẳng, bồn chồn và lo lắng, đôi khi khó tập trung và tim đập nhanh.

Xét nghiệm máu có thể dễ dàng phát hiện bệnh này.

6. Thay đổi tâm trạng: Bệnh về đường tiêu hóa

Theo bác sĩ Heather Hagen, từ Học viện Newport (Mỹ), các bệnh đường ruột có thể gây thay đổi tâm trạng và thậm chí trầm cảm, theo Best Life.

Nhiều người bị cường giáp cảm thấy căng thẳng, bồn chồn và lo lắng, đôi khi khó tập trung và tim đập nhanh - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trường Y Johns Hopkins (Mỹ) giải thích, nguyên nhân là do não và ruột tương tác vô cùng chặt chẽ. Khi rối loạn tiêu hóa gây kích ứng đường tiêu hóa, điều này sẽ "gửi” các tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương để kích hoạt thay đổi tâm trạng.

7. Trầm cảm và tâm trạng thất thường: Bệnh Parkinson

Trầm cảm và thay đổi tâm trạng là dấu hiệu phổ biến của bệnh Parkinson. Do thiếu dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu. Khi các tế bào sản xuất dopamine trong não chết đi, nó sẽ ảnh hưởng đến cả chuyển động và tâm trạng của bệnh nhân.

8. Uể oải: Bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu của Đại học bang Kent (Mỹ) cho biết: “Sự uể oải, hoặc mất động lực là hành vi phổ biến nhất trong bệnh Alzheimer nhưng lại ít được công nhận”. Sự thay đổi tâm trạng này đi đôi với những thay đổi nhận thức mà bệnh nhân Alzheimer trải qua.

9. Dễ bị kích động: Bệnh thoái hóa thần kinh Huntington

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Psychiatry Research, cáu kỉnh là một triệu chứng phổ biến của bệnh Huntington. Huntington gây ra sự suy giảm và làm các tế bào não chết. Tổn thương não lại càng làm cho bệnh nhân càng cáu kỉnh và bộc phát cảm xúc, theo Best Life.

Theo thanhnien