Thiếu I- ốt khiến người dân miền núi mắc bướu cổ nhiều

Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của Mạng lưới I-ốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng nhất. Theo một kết quả điều tra của BV Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc bướu cổ ở miền núi phía Bắc là 38%, miền núi Trung bộ 27% và Tây nguyên 29%. Một trong những nguyên nhân là do thiếu i- ốt. Tại các vùng dân tộc thiểu số, tình trạng thiếu i- ốt và thực hành về dinh dưỡng không đúng cách vẫn còn xảy ra nhiều.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối i-ốt, thấp hơn nhiều với mức khuyến nghị toàn cầu về phổ cập sử dụng muối i-ốt toàn dân là 90%. Kết quả điều tra cũng chỉ rõ thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền nước ta đều có hàm lượng i-ốt không đáng kể nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể.

Tăng cường i-ốt vào thực phẩm cho bà con tại các tỉnh miền núi khó khăn - Ảnh 1.

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, nhu cầu i-ốt ở trẻ em theo khuyến nghị là từ 90-120 mcg/ngày, người lớn khoảng 150 cmg/ngày. Nếu cơ thể tiếp nhận dưới 150 mcg i-ốt sẽ dẫn tới rối loạn vì thiếu i-ốt. Điều này gây ra các tình trạng bệnh lý như bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến phát triển, hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi.

Ở trẻ em, thiếu I - ốt gây ra chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng... Ở phụ nữ mang thai có thể dẫn tới sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu mẹ thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác…

Tăng cường i-ốt vào thực phẩm thiết yếu

Tăng cường i-ốt vào thực phẩm cho bà con tại các tỉnh miền núi khó khăn - Ảnh 2.

Tăng cường i-ốt vào thực phẩm thiết yếu là giải pháp để người dân khắc phục tình trạng thiếu i-ốt (Ảnh Internet)

Để giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung, trong đó có thiếu i-ốt, theo ông Đinh Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, với những vùng khó khăn giải pháp căn bản nhất vẫn là xóa đói giảm nghèo. Công tác truyền thông ngay lúc này cần đẩy mạnh, không chỉ ở phương tiện thông tin đại chúng mà cần đi từng gia đình, hướng dẫn người dân cách chăm sóc dinh dưỡng, chế biến thức ăn cho trẻ như thế nào, đảm bảo đa dạng hóa thực phẩm để đủ khoáng chất và vi chất dinh dưỡng…

Cùng với đó, cần hướng dẫn người dân thực hành dinh dưỡng, hướng dẫn xây dựng an ninh lương thực hộ gia đình, tiếp tục bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm…

Hàng năm trong Ngày vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11), nhiều địa phương cũng đã triển khai đưa muối xuống người dân. Xã Hòa Phú và xã Hòa Bắc, Hòa Vang (Đà Nẵng) là địa phương miền núi, đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã chuẩn bị gần 2 ngàn kg muối và bột canh có chứa I-ốt để cấp phát cho 646 nhân khẩu của 165 hộ gia đình tại thôn Phú Túc - xã Hòa Phú và gần 3 ngàn kg được cấp phát cho gần 1.000 nhân khẩu 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí xã Hòa Bắc. Người dân bên cạnh việc được cấp phát muối còn được truyền thông lựa chọn các thực phẩm giàu i-ốt, vi chất dinh dưỡng… để bổ sung trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhấn mạnh, việc tăng cường i-ốt vào các thực phẩm thiết yếu được chứng minh là biện pháp đơn giản mà hiệu quả để bổ sung i-ốt nói riêng, các vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày cho người dân. Ngoài muối i-ốt, các thực phẩm giàu i-ốt là các loại hải sản, các loại cá biển, rong biển, trứng, sữa, rau dền, rau cải xoong, tảo... Bổ sung đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày không chỉ hạn chế thiếu i- ốt mà còn cung cấp đủ các khoáng chất, vi chất dinh dưỡng thiết yếu nâng cao sức khỏe, tầm vóc.

Theo suckhoedoisong.vn