1. Các hoạt động thể chất được khuyến cáo cho bệnh nhân đái tháo đường type 2

Có rất nhiều hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe và kiểm soát đường huyết tốt ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2. Điều này có được là nhờ vào sự cải thiện độ nhạy insulin, giảm đường huyết sau bữa ăn và giảm nguy cơ các biến cố tim mạch. 

Dưới đây là một số các hoạt động thể chất được Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo:

1.1. Tập thể dục nhịp điệu

Các hoạt động thể dục nhịp điệu bao gồm: Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, các hoạt động dưới nước, chèo thuyền và khiêu vũ… Cần luyện tập xen kẽ 3 - 7 ngày/tuần, không quá 2 ngày liên tục giữa các hình thức hoạt động.

Các phân tích tổng hợp và đánh giá có hệ thống đã chỉ ra: Tập luyện thể dục nhịp điệu thường xuyên giúp giảm số lần tăng đường huyết trong ngày, giảm 0,5 - 0,7% HbA1c, cải thiện độ nhạy insulin, lipid, huyết áp, các thông số trao đổi chất khác và mức độ thể lực, ngay cả khi không giảm cân.

1.2. Bài tập rèn luyện sức đối kháng

Tập đối kháng là sử dụng trọng lượng của máy móc, dây thun hoặc trọng lượng cơ thể làm lực cản. Thực hiện 8 - 10 bài tập liên quan đến các nhóm cơ chính ở chân và tay 2 - 3 ngày/tuần, 10 - 15 lần mỗi hiệp, 1 - 3 hiệp cho mỗi loại bài tập cụ thể. Ban đầu tập với lực vừa phải, sau đó tăng dần lực đối kháng, số hiệp và tần suất tập luyện nhiều hơn.

Các bài tập này giúp cải thiện 10 - 15% về thể lực, tăng mật độ chất khoáng trong xương, điều hòa huyết áp, ổn định cấu hình lipid, tăng khối lượng cơ và độ nhạy insulin ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2. Việt kết hợp tập đối kháng và giảm cân vừa phải có thể làm tăng hiệu quả điều trị gấp ba lần so với nhóm không tập thể dục.

Tập luyện đúng cách ở bệnh nhân đái tháo đường type 2- Ảnh 2.
 

Tập thể dục giúp kiểm soát tốt đường huyết.

1.3. Luyện tập kết hợp

Việc kết hợp tập luyện thể dục nhịp điệu và các bài tập đối kháng tác động tốt đến đường huyết, độ nhạy insulin và mức độ giảm HbA1c nhiều hơn so với chỉ tập luyện đối kháng hay tập thể dục nhịp điệu đơn thuần.

1.4. Bài tập ngắt quãng cường độ cao (HIIE)

Một buổi tập ngắt quãng cường độ cao làm giảm tình trạng tăng đường huyết sau bữa ăn, giảm % HbA1c và chỉ số khối cơ thể (BMI) ở người mắc bệnh đái tháo đường type 2I.

So với việc đi bộ liên tục, tập luyện bài tập ngắt quãng cường độ cao giúp thể lực tốt hơn, cải thiện nồng độ đường huyết, cũng như độ nhạy insulin và chức năng tế bào β của tuyến tụy. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của cơ thể đối với việc tập luyện cường độ cao trong thời gian dài vì có thể gây hạ đường huyết thoáng qua sau khi tập.

Ngoài ra, các loại bài tập khác như: Yoga, pilates, thái cực quyền, dưỡng sinh... cũng có vai trò quan trọng trong tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm nồng độ đường máu, lipid máu, giảm chỉ số BMI và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

2. Lưu ý khi tập luyện

2.1 Lưu ý chung

- Nên kiểm tra sức khỏe trước khi bắt đầu các hoạt động thể lực mạnh đối với những người triệu chứng và nguy cơ bệnh tim mạch cao, người mắc đái tháo đường lâu năm, người cao tuổi...

- Nên bổ sung đầy đủ nước và các chất điện giải trước, trong và sau khi tập thể dục, tránh tập thể dục dưới ánh nắng trực tiếp và thời điểm nắng nóng cao điểm trong ngày.

- Luôn mang theo nguồn carbohydrate tác dụng nhanh (đường, kẹo...) trong quá trình tập luyện để cấp cứu hạ đường huyết khi tập quá sức.

- Hạn chế tham gia các bài tập thể dục có thể gây chấn thương bàn chân, chẳng hạn như đi bộ đường dài, chạy bộ hoặc đi bộ trên bề mặt không bằng phẳng.

- Các bài tập không chịu sức nặng (ví dụ như đạp xe, bài tập trên ghế, bơi lội) có thể phù hợp hơn, nhưng tránh tập thể dục dưới nước khi vết loét bề mặt lòng bàn chân chưa lành.

Ngoài ra cần:

  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày xem có dấu hiệu chấn thương và tấy đỏ hay không.
  • Chọn giày và tất cẩn thận cho vừa vặn, kiểm tra trong giày trước khi đi.
  • Tránh các hoạt động đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng quá mức.
  • Tránh tập thể dục làm tăng huyết áp quá mức (ví dụ: Nâng tạ, tập thể dục nhịp điệu cường độ cao) và hạn chế nín thở khi hoạt động.
Tập luyện đúng cách ở bệnh nhân đái tháo đường type 2- Ảnh 3.

Đi bộ là một hình thức tập luyện phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường.

2.1. Ở người lớn mắc đái tháo đường

- ‎Di chuyển nhiều hơn và ngồi ít hơn trong suốt cả ngày.

- Tập ít nhất 150 phút (2 giờ, 30 phút) đến 300 phút (5 giờ) mỗi tuần với cường độ vừa phải. Tốt hơn nếu tham gia hoạt động thể chất cường độ vừa phải lớn hơn 5 giờ/tuần.

- Thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp với cường độ vừa phải hoặc cao đối với các nhóm cơ chính ít nhất 2 ngày/tuần trở lên.

- Đối với người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường, các hướng dẫn tập luyện cũng giống như người lớn bình thường. Ngoài ra, nên kết hợp các bài tập đa thành phần như rèn luyện thăng bằng, aerobic và tăng cường cơ bắp để nâng cao hiệu quả điều trị. 

Tuy nhiên, ở những người lớn tuổi có các bệnh lý cơ xương khớp mạn tính cần tham khảo ý kiến bác sĩ tìm ra bài tập và thời gian tập luyện phù hợp với từng bệnh nhân.

2.2. Ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc đái tháo đường

Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) nên khuyến khích hoạt động vui chơi, vận động suốt cả ngày để tăng cường sự phát triển về thể chất.

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi nên tham gia hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh trong 60 phút/ngày trở lên:

- Thể dục nhịp điệu: Nên tập ở cường độ vừa phải hoặc mạnh, nên tăng cường hoạt động thể chất hiếu khí cường độ mạnh ít nhất 3 ngày/tuần. Vận động hiếu khí là những vận động có cường độ trung bình nhẹ mà cơ thể có thể duy trì được những vận động này trong một thời gian dài liên tục. Trong vận động này, cơ thể sử dụng khí oxy để đốt mỡ (chất béo) và chuyển hóa thành năng lượng giúp cơ bắp chuyển động.

- Tăng cường cơ bắp: Nên tập luyện đều đặn mỗi ngày 60 phút trở lên, ít nhất 3 ngày/tuần.

Theo suckhoedoisong.vn