leftcenterrightdel
Jamu được pha chế từ nhiều loại thảo mộc và gia vị. Ảnh: Nationalgeographic.com 

Bạn có thể chưa biết, ngoài vinh danh các công trình kiến trúc, loại hình nghệ thuật và kỳ quan thiên nhiên, UNESCO còn công nhận các tập quán chăm sóc sức khỏe có bề dày lịch sử. Dưới đây là 5 phong tục truyền thống từ 5 quốc gia khác nhau được tổ chức này ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Jamu ở Indonesia

Jamu là loại thức uống cổ truyền được ví như tiên dược của người Indonesia. Nó được pha chế từ nhiều nguyên liệu thực vật có lợi cho sức khỏe như gừng, chanh, nghệ, me…

Người pha chế jamu là phụ nữ. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ở đất nước này thường khiến mọi người dễ bị ho, cảm. Ít nhất thì từ hơn 1.200 năm về trước, người Indonesia đã để lại công thức pha chế jamu có công dụng cân bằng nhiệt độ cơ thể trên tường đền bằng đá.

Tùy từng cá nhân, địa phương mà jamu có công thức pha chế khác nhau, nhưng tựu chung đều sử dụng các loại thảo mộc và gia vị có sẵn trong khu vực. Trên đảo Bali có rất nhiều quán cà phê và quầy nước ven đường bán jamu. Nhờ được UNESCO công nhận vào năm 2023, jamu đang ngày càng thu hút du khách nước ngoài thưởng thức và giới trẻ Indonesia tìm về hương vị cổ truyền.

Hầu hết người Indonesia đều biết và có chút bí quyết riêng về jamu. Có người chỉ pha chế để uống và mời người thân, bạn bè, cũng có người mở quán bán jamu như nước giải khát. Các chợ truyền thống, khu du lịch, nghỉ dưỡng ở Indonesia rất hay tổ chức lễ hội hoặc lớp học pha chế jamu.

Yoga ở Ấn Độ

leftcenterrightdel
 Yoga rèn luyện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: Hindustantimes.com

So với jamu, yoga được UNESCO công nhận sớm hơn, từ năm 2016 và nó cũng đã vang danh thế giới từ khá lâu. Theo tư liệu lịch sử, yoga khai sinh ở miền Bắc Ấn Độ, là liệu pháp rèn luyện thể chất vừa mang tính hồi phục, bảo vệ sức khỏe vừa mang tính triết học. Người Ấn Độ thực hành yoga với mục đích kiểm soát tinh thần để đạt đến sự giác ngộ và họ đã theo đuổi nó được cả 5 nghìn năm.

Trong khi xã hội Ấn Độ đầy rẫy phân biệt đẳng cấp, giới tính, tôn giáo thì yoga công bằng với tất cả mọi người. Không cần biết là trẻ hay già, trai hay gái, giàu hay nghèo… ai yêu thích yoga đều có quyền tập.

Nếu muốn tìm hiểu sâu về yoga khi đến Ấn Độ, bạn có thể ghé vào các lớp học yoga được mở ngay trong khu nghỉ dưỡng hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn ngày hay dài hạn tại các trung tâm. Không ít người nước ngoài còn giành được chứng chỉ công nhận tại đây, được phép mở lớp dạy yoga khi trở về nước.

Massage ở Thái Lan

leftcenterrightdel
Massage Thái Lan khiến du khách muốn thử lại lần nữa. Ảnh: Nationalgeographic.com 

Nhắc đến Thái Lan là nhắc tới massage. Các khu du lịch trên đất nước này nhiều tiệm massage đến nỗi khiến du khách tưởng massage là sinh kế chứ không phải truyền thống, dù nó đã được UNESCO công nhận từ năm 2019.

Thực tế, massage ở Thái Lan là tập quán chăm sóc sức khỏe có tuổi đời ngoài 2.500 năm và là niềm tự hào của dân tộc Xiêm. Tín ngưỡng Phật giáo chủ đạo ở đây cho rằng, trong cơ thể có 4 luồng năng lượng là thủy, khí, hỏa và thổ. Nếu bốn luồng này bị rối rắm hay tắc nghẽn, cơ thể sẽ đau yếu. Lúc này, người bệnh cần phải được massage để khai thông.

Bằng kinh nghiệm hàng ngàn năm, massage Thái có thể khiến bạn nhẹ bẫng cả người và muốn được phục vụ thêm lần nữa. Chính vì thế mà liệu pháp này mới ngày càng phổ biến, trở thành một trong những sinh kế chủ đạo của người dân Thái Lan.

Châm cứu ở Trung Quốc

leftcenterrightdel
 Châm cứu giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu. Ảnh: Aeon.co

Theo thuyết âm dương của triết học Trung Quốc thì cơ thể con người có 2 luồng khí là khí âm và khí dương. Hai luồng khí này phải cân bằng nhau thì cơ thể mới khỏe mạnh và để duy trì sự cân bằng, đôi lúc phải can thiệp.

Châm cứu là liệu pháp sử dụng kim châm, đâm sâu vào trong da thịt để “đả thông kinh mạch”, tức là giải tỏa tắc nghẽn luồng khí trong cơ thể. Nó được người Trung Quốc sáng chế cách đây khoảng 5.000 năm và dùng để điều trị hầu hết các loại bệnh, từ đau đầu đến đau cơ, buồn nôn, rối loạn hô hấp…

Năm 2010, châm cứu được UNESCO công nhận. Trung Quốc hiện có rất nhiều phòng khám, bệnh viện Đông y và nếu muốn, bạn có thể ghé những nơi này để được chuẩn bệnh và châm cứu theo phương pháp cổ truyền.

Xông hơi ở Phần Lan

leftcenterrightdel
 90% người Phần Lan xông hơi ít nhất mỗi tuần một lần. Ảnh: Nationalgeographic.com

So với 4 tập quán kể trên, xông hơi Phần Lan có tuổi đời lâu hơn cả, lên tới 10 nghìn năm và nhưng nó chỉ mới được UNESCO công nhận vào năm 2020. Thú vị là cho đến tận bây giờ, nó vẫn là liệu pháp được người dân nơi đây tin dùng nhất.

Theo số liệu thống kê thì trong đất nước chỉ 5,5 triệu dân này, có đến 3,3 triệu phòng xông hơi. 90% người Phần Lan dùng phòng xông hơi ít nhất mỗi tuần một lần và khẳng định nó giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể, nhờ đó giảm thiểu căng thẳng.

Phần Lan có cả phòng xông hơi cỡ nhỏ đến phòng tắm hơi cỡ lớn. Họ xây dựng chúng trong nhà, ngoài trời và xem xông hơi tập thể như cơ hội để thân nhân, bằng hữu quây quần. Nhiều phòng xông hơi của họ được xây dựng ở những địa điểm đẹp như tranh vẽ như là bên bờ hồ, giữa rừng sâu hoặc trên sườn núi.

Đối với du khách quốc tế, Phần Lan giới thiệu 3 địa điểm du lịch trải nghiệm tập quán xông hơi cực kỳ lý tưởng: Löyly ở Helsinki, Thế giới Tắm hơi Bắc Cực ở Sápmi và Phòng Xông hơi Hawk Nest ở Công viên Quốc gia Nuuksio.

Theo giaoducthoidai