Tại Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2022 của Hội Y học giới tính diễn ra cuối tuần qua, báo cáo về ảnh hưởng của lối sống đến khả năng sinh sản, bác sĩ Bạch Huy Anh - Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) - cho biết, cân nặng, tập thể dục thể thao, sử dụng thuốc lá… là những vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, thừa cân và thiếu cân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của nữ giới, ảnh hưởng này ít hơn tuy nhiên vẫn rõ rệt ở nam giới. 

Ở nữ giới, thừa cân, thiếu cân có liên quan đến rối loạn phóng noãn và vô sinh. Thừa cân, béo phì (chỉ số BMI cao) làm thay đổi nồng độ hoóc-môn dẫn đến những thay đổi về sinh lý và suy giảm chức năng buồng trứng. “Ngược lại, phụ nữ ăn kiêng hoặc tập thể dục quá sức có BMI thấp thường dễ bị rối loạn phóng noãn và giảm khả năng có thai tự nhiên. Nguyên nhân là do rối loạn các cơ chế nội tiết của vùng dưới đồi gây ra rối loạn chu kỳ rụng trứng”, bác sĩ Bạch Huy Anh cho hay. 

Báo cáo dẫn một nghiên cứu với 1.650 phụ nữ Đan Mạch cho thấy, nhóm thừa cân có 17% mang thai chậm hơn, nhóm béo phì có chỉ số BMI từ 30-34 là 25% và nhóm BMI >35 là 39%, nhóm phụ nữ nhẹ cân là 18%. Khi một phụ nữ nhẹ cân bị vô sinh bắt đầu tăng cân, tần suất rụng trứng và khả năng có thai của họ cũng tăng lên. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới thừa cân hoặc béo phì có thể tích tinh dịch và tổng số tinh trùng giảm so với người bình thường; béo phì làm thay đổi protein trong tinh trùng dẫn đến chức năng tinh trùng kém và vô sinh. 

Trong khi đó, nữ giới có BMI<25 hoạt động thể chất cường độ cao (như chạy, đạp xe nhanh, thể dục nhịp điệu, bơi lội, thể dục dụng cụ) quá 5 giờ/ngày có liên quan đến giảm khả năng có thai. Tuy nhiên, với nhóm thừa cân, béo phì, hoạt động thể chất loại nào cũng có ý nghĩa tích cực đối với khả năng sinh sản. Do đó, bác sĩ Bạch Huy Anh khuyến cáo, phụ nữ nên tập thể dục thể thao, tuy nhiên không nên tập gắng sức quá 5 giờ/tuần. Duy trì chỉ số BMI từ 18,5-25 là an toàn cho cả nam và nữ.

Theo phụ nữ TPHCM