Có nhiều nguyên nhân bệnh gây tê bì tay chân
Tê bì tay chân lúc khởi phát có cảm giác tê rần ở các đầu ngón tay, ngón chân, như bị châm chích. Những biểu hiện này có thể ngày càng nặng hơn, lan dần lên phía bàn tay, cổ tay, cẳng tay, cánh tay.
Tê bì tay chân ai cũng có thể gặp, nhưng thường hay gặp ở phụ nữ mang thai hoặc ở người già.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê bì tay chân mà không liên quan đến bệnh lý, không cần phải đi khám. Cụ thể:
- Một số thói quen xấu hoặc tính chất công việc có thể dẫn đến tình trạng tê bì tay chân, trong đó thường thấy là tình trạng ngồi, đứng, duy trì một tư thế quá lâu, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ… dẫn đến mạch máu và thần kinh bị chèn ép, khiến máu khó lưu thông. Và một số phụ nữ sau sinh cũng có thể gặp tình trạng này.
- Do tư thế làm việc: Tê bì tay chân cũng có thể gặp ở trường hợp vác vật nặng, ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động và thường xuyên ngồi dưới máy lạnh sẽ gây tổn thương dây thần kinh.
- Do ngủ nghiêng người, nằm gối quá cao, liên tục dùng giày cao gót… cũng sẽ khiến tay chân tê bì.
- Do ảnh hưởng thời tiết: Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến một số người, nhất là khi trời lạnh, sẽ bị rối loạn cảm giác, tê bì.
- Do tình trạng căng thẳng, stress, mệt mỏi: Căng thẳng, mệt mỏi kích thích các tế bào thần kinh gần bề mặt da, gây tê ngứa và tê bì tay chân.
- Do thuốc: Nếu phải dùng một số thuốc điều trị bệnh mạn tính, thì tê bì chân tay có thể là kết quả của tác dụng phụ của thuốc.
Khi nào tê bì tay chân là bệnh lý?
Thông thường tê bì tay chân có thể là do nguyên nhân bình thường, tuy nhiên nếu tê bì tay chân kèm theo đau nhức xương khớp xuất hiện, thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Do chấn thương: Nếu khi gặp tai nạn, va chạm, ngã... khiến dây thần kinh ngoại biên tổn thương cũng sẽ gây tê bì chân tay, hạn chế vận động.
- Do thoái hóa cột sống: Nếu xuất hiện tình trạng tê bì vùng cổ lan xuống tay hoặc đau từ thắt lưng xuống chân. Hiện tượng tê bì tay chân do thoái hóa thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Do thoát vị đĩa đệm: Tê bì tay chân có thể do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm. Đây là bệnh lý thường gặp ở đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng.
Do thoái hóa khớp: Khớp tay, khớp đầu gối hoặc khớp háng bị tổn thương do các yếu tố tiêu cực, sẽ gây hạn chế vận động và dẫn đến tê bì cánh tay, bàn chân.
- Do viêm đa khớp dạng thấp: Tình trạng khớp tay, khớp chân bị viêm nhiễm, tổn thương sẽ gây tê bì tay chân
- Do hẹp ống sống: Cột sống bị biến dạng, thu nhỏ lại khiến các rễ thần kinh chạy qua bị chèn ép và gây tê tay chân kéo dài. Bệnh để lâu sẽ gây tắc nghẽn lưu thông máu, vận động khó khăn.
- Do đa xơ cứng: Tình trạng này dẫn đến co thắt cơ bắp, mệt mỏi.
- Do viêm đa rễ thần kinh: Bệnh lý xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên tổn thương, gây rối loạn cảm giác và hạn chế vận động.
- Do xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch gây hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh chạy qua và dẫn đến tê bì tay chân.
Để phòng ngừa tê bì tay chân cần phải tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc.
Biểu hiện tê bì tay chân cần phải đi khám
Câu hỏi đặt ra làm thế nào phát hiện tê bì tay chân bình thường không cần phải khám và khi nào cần phải đi khám.
Thông thường biểu hiện tê bì tay chân xuất hiện nhanh chóng và mất đi ngay, nhưng tê bì tay chân kèm các biểu hiện tê chân kéo dài trong thời gian liên tục, khoảng trên 6 tuần; Tê chân đi kèm với bất kỳ triệu chứng mãn tính khác; Bị tê chân kèm thay đổi về màu sắc, hình dạng hoặc nhiệt độ của chân và bàn chân… cần phải nhập viện ngay để được các bác sĩ thăm khám. Hoặc khi có các biểu hiện bệnh lý hay quên; Chóng mặt; Đau đầu dữ dội; Khó thở… cũng cần phải đi khám ngay.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa tê bì tay chân cần phải tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc, làm việc nhiều giờ trước máy vi tính hay ngồi xổm quá lâu, dẫn đến mạch máu khó lưu thông gây tê chân tay. Tránh ngồi nhiều, đứng lâu: Chú ý không khuân vác vật nặng hay ngồi xổm, đi dép chật, không để tay chân bị lạnh. Ngoài ra, cần tăng cường vận động, thường xuyên tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh. Có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vitamin và chất khoáng. Hạn chế uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, vào mùa đông có thể dùng túi chườm nóng ở tay chân để giảm đau nhức và tê bì.
Theo suckhoedoisong.vn