leftcenterrightdel
 Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả thai phụ và thai nhi

Hỏi: Tôi mang thai được 3,5 tháng, bác sĩ cho tôi bổ sung sắt 1-2 viên/ngày. Tôi uống được 1 tháng thì tự ngưng thuốc vì tôi thấy mình ăn uống đầy đủ, bổ sung sắt có thể dư. Hơn nữa, một số bạn bè tôi nói dư sắt thì con sinh ra sẽ bị bướu máu. Thông tin này làm tôi rất hoang mang. Xin bác sĩ giải thích giúp nếu ăn uống đủ chất thì có cần bổ sung sắt không? Nếu bổ sung sắt dư thì sẽ bị tác hại nào, có phải bướu máu ở trẻ là do dư sắt? 

Nguyễn Ngọc Trang (quận 8, TPHCM)

 
Bác sĩ chuyên khoa 2 Mai Hải Lý - Tổ trưởng tổ khám sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định - trả lời: Sắt có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Khi mang thai nhu cầu về sắt của cơ thể tăng lên. Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả thai phụ và thai nhi. Thai phụ sẽ bị mệt mỏi, giảm sức đề kháng, dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, tăng nguy cơ sảy thai, tiền sản giật, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, thiếu sữa sau sinh… Thai nhi có nguy cơ bị thai lưu, thai chậm phát triển, sinh non, nhẹ cân… 

Có các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, ngũ cốc, các loại rau màu xanh đậm, trái cây… Tuy nhiên, sắt trong thực phẩm không phải luôn được cơ thể hấp thu toàn bộ mà còn phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở sự hấp thu sắt. Hàm lượng sắt của thực phẩm không chắc chắn phản ánh đầy đủ lượng sắt được hấp thu. Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu gia tăng sắt trong thời gian mang thai và cho con bú.

Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai cần được bổ sung sắt qua đường uống hằng ngày trong suốt thai kỳ ít nhất 27mg (không vượt quá 45mg) mỗi ngày. 

Thừa sắt có thể có các dấu hiệu cảnh báo như: nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, vàng da… chứ không liên quan đến bướu máu ở mặt thai nhi.

Theo phụ nữ TPHCM