|
|
Đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ mẹ sang con, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cả mẹ và con. Ảnh minh họa: omurden_cengiz. |
Đậu mùa khỉ đang trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ nhiều nhà khoa học, chính quyền các nước cũng như người dân sau khi WHO tuyên bố đây là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England tuần trước, có tới 98% người nhiễm là đồng tính nam hoặc nam giới quan hệ lưỡng tính. Tuy nhiên, tỷ lệ nhỏ còn lại cũng xuất hiện ở phụ nữ mang thai, trẻ em và thậm chí cả thai nhi.
Có thể lây từ mẹ sang con và gây biến cố khi sinh
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết Tạp chí Lancet đã đăng tải một bài báo trích dẫn các dữ liệu về việc virus đậu mùa khỉ và virus đậu mùa (virus gây ra dịch đậu mùa trước đây) đều có khả năng cao gây nhiễm trùng đối với thai nhi.
“Các loại virus này còn có thể gây biến cố đẻ non, sẩy thai, thai lưu bên cạnh gây bệnh và nguy cơ tử vong đối với người mẹ”, bác sĩ Bắc thông tin.
Trong 4 phụ nữ mang thai nhiễm virus đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo được phát hiện từ năm 2007 đến 2011, 2 trường hợp sẩy thai ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Một người sẩy thai ở tuần 18.
Khi quan sát thai chết lưu, các y bác sĩ nhận thấy có xuất hiện các nốt ban trên da toàn thân, đồng thời tìm được ADN của virus đậu mùa khỉ trong bào thai, dây rốn và nhau thai.
“Điều này khẳng định sự lây truyền dọc, tức lây từ mẹ sang con qua nhau thai của virus đậu mùa khỉ”, bài báo này kết luận.
Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng cho biết bên cạnh đường lây về tiếp xúc với ca bệnh, vật dụng xung quanh người mắc hay giọt bắn của đường hô hấp, đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ mẹ sang con.
Vị chuyên gia cũng thông tin một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính khác…
Những trường hợp này buộc phải nhập viện và được theo dõi chặt chẽ nếu không may mắc đậu mùa khỉ.
Lưu ý với phụ nữ mang thai
TS Giang cho biết cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất lúc này là bản thân người dân phải có hiểu biết về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Theo vị chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ được lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người.
Với con đường từ động vật sang người, ông khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc hoặc giết, mổ những loài động vật không rõ nguồn gốc cũng như các con vật ốm, chết.
Với trường hợp lây từ người sang người, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những ca bệnh nghi ngờ hoặc đã được khẳng định mắc đậu mùa khỉ. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với vật dụng xung quanh người bệnh.
“Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua giọt bắn của đường hô hấp. Vì thế, chúng ta vẫn nên duy trì thói quen đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay sạch…”, TS Giang khuyên.
|
|
Tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn. |
Với nhóm phụ nữ mang thai, do có nguy cơ cao, các trường hợp này cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng tránh bệnh kể trên, từ đó đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Ông nói: “Trong trường hợp phụ nữ mang thai có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được xác định phơi nhiễm với virus đậu mùa khỉ, việc quản lý và điều trị phải rất chặt chẽ trong các cơ sở y tế”.
Tại đây, các bác sĩ sẽ có nhiệm vụ khẳng định ca bệnh, theo dõi sự phát triển của bệnh cũng như ảnh hưởng với thai nhi.
Các bác sĩ lâm sàng nên nghĩ tới đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai nếu bệnh nhận có biểu hiện sưng hạch và phát ban mụn nước, bao gồm cả ban ở vùng sinh dục và quanh hậu môn.
Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm chuỗi trùng hợp acid nucleic nhằm phát hiện virus đậu mùa khỉ trên bệnh phẩm thu thập từ mụn nước hay những tổn thương vùng sinh dục.
Các bác sĩ cũng phải theo dõi sát thai nhi trên những người mẹ nhiễm virus đậu mùa khỉ dựa trên siêu âm. Việc làm này chủ yếu nhằm phát hiện tình trạng gan to hoặc phù của thai nhi.
Vị chuyên gia thông tin thêm: “Việc chọc ối để xét nghiệm tìm virus đậu mùa khỉ chưa chắc chắn mang lại hiệu quả”.
Trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm virus đậu mùa khỉ có thể cần làm xét nghiệm rRT-PCR đối với bệnh phẩm từ máu dây rốn hoặc nhau thai để chẩn đoán xác định có nhiễm loại virus này hay không.
Về điều trị, một số loại thuốc có thể cân nhắc sử dụng cho phụ nữ mang thai nhiễm virus đậu mùa khỉ ở mức độ nặng.
Thuốc Tecovirimat đã được Ủy ban Y học châu Âu phê chuẩn sử dụng trong điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cung cấp thông tin loại thuốc này không gây độc hại với thai nhi và không gây quái thai khi nghiên cứu trên động vật.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã phê chuẩn khẩn cấp sử dụng vaccine bệnh đậu mùa ACAM2000, có hiệu quả bảo vệ chéo với đậu mùa khỉ là 85%, để xem xét chỉ định cho phụ nữ mang thai nguy cơ cao phơi nhiễm loại virus này.
Vaccine đậu mùa thế hệ 3 MVA-BN cũng mới được Mỹ, Canada và liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn gần đây. Loại vaccine này có thể an toàn hơn vì được sản xuất từ các virus không có khả năng nhân lên.
Theo zingnews