|
|
Thai phụ bị nhiễm COVID-19 nặng có thể bị sẩy thai hoặc sinh non |
Theo các nhà khoa học, COVID-19 là một chứng rối loạn đa hệ thống, nghĩa là nó không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà còn nhiều chức năng khác của cơ thể.
Các chuyên gia y tế cũng đã nói nhiều về tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai. Những thai phụ bị nhiễm COVID-19 và có diễn biến bệnh nặng, phải được điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt (ICU), thường có nguy cơ sinh non hoặc khiến thai nhi chết trong bụng mẹ. Những em bé có mẹ bị nhiễm bệnh, nếu may mắn sống sót, thì cũng sẽ chịu nhiều biến chứng lâu dài.
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và lây nhiễm sang các tế bào phổi bằng cách liên kết với thụ thể ACE2 (enzym chuyển đổi angiotensin 2). Từ đó, nó có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, nơi cũng có các thụ thể ACE2, bao gồm cả trên nhau thai, cơ quan kết nối người mẹ mang thai với thai nhi.
Chức năng của nhau thai là bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng mà người mẹ có thể mắc phải, mặc dù có một số bệnh nhiễm trùng - như cytomegalovirus (CMV), virus Zika và virus herpes simplex - có thể vượt qua được rào cản này, và lây nhiễm cho thai nhi, với hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo các nhà khoa học, hiện vẫn chưa rõ liệu SARS-CoV-2 có thể xuyên qua hàng rào nhau thai, và trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngay sau khi sinh là do bị lây nhiễm từ mẹ trước hoặc trong khi sinh hay không. Nhưng đã có bằng chứng cho thấy thai phụ có thể truyền các kháng thể chống lại COVID-19 cho thai nhi trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, những phụ nữ mang thai, nếu được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, sẽ có khả năng sản xuất ra IgG (immunoglobulin G, là kháng thể chính được tìm thấy trong tuần hoàn máu và dịch ngoại bào, có khả năng chống lại SARS-CoV-2) trong vòng 5 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. IgG đã được phát hiện có khả năng truyền qua nhau thai, và giúp bảo vệ em bé sau 16 ngày kể từ khi người mẹ được tiêm mũi đầu tiên.
|
|
Phụ nữ mang thai vẫn có thể được tiêm ngừa COVID-19 một cách an toàn và có khả năng truyền kháng thể cho thai nhi |
Ở những bà mẹ phải nhập viện vì COVID-19, nguy cơ sinh non (tức trẻ được sinh trước 37 tuần của thai kỳ) là khá phổ biến. Đối với những bà mẹ bị nhiễm bệnh vào một thời điểm nào đó của thai kỳ, nguy cơ sinh con dưới 37 tuần cao hơn 40%, trong khi nguy cơ sinh non - xảy ra khi thai dưới 32 tuần - cao hơn 60%. Đối với những thai phụ bị huyết áp cao, tiểu đường và/hoặc béo phì, nguy cơ sinh non cũng tăng đến 160%.
Bất kỳ căn bệnh nào gây căng thẳng cho phổi, hệ thống miễn dịch hoặc hệ tuần hoàn của phụ nữ mang thai đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và oxy được đưa đến tử cung, nơi em bé đang phát triển, làm tăng nguy cơ sinh non. COVID-19 không chỉ gây căng thẳng về hô hấp và tim mạch, mà còn gây ra phản ứng miễn dịch mạnh dẫn đến viêm trên diện rộng. Chính sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ thai phụ nhiễm COVID-19 chuyển dạ sinh non.
Sinh non mang lại nhiều rủi ro cho trẻ sơ sinh, có khả năng làm cho bé bị khuyết tật về trí tuệ và suy yếu các chức năng phát triển lâu dài.
Một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng sinh non là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bại não. Nguy cơ này đặc biệt cao đối với trẻ sinh sớm hơn 32 tuần.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo lắng, trầm cảm và các bất thường về vận động và cảm xúc, bao gồm các vấn đề liên quan đến cân bằng tiền đình, xử lý cơn đau và khiếm thính. Tất cả những biến chứng này thường có ảnh hưởng kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Theo các nhà khoa học, hiện đã có dữ liệu rõ ràng cho thấy phụ nữ mang thai vẫn có thể được tiêm ngừa COVID-19 một cách an toàn, và các kháng thể do vắc xin tạo ra sẽ giúp đem lại một số biện pháp bảo vệ cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, các nhà khoa học khuyên, cách an toàn và hiệu quả nhất để thai phụ bảo vệ bản thân và thai nhi khỏi tác động của COVID-19 là tiêm ngừa.
Theo phunuonline