Đối với người bình thường, tăng huyết áp là nguyên nhân của nhiều bệnh như: đái tháo đường, bệnh thận và các chứng tim mạch... Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Gọi tăng huyết áp khi chỉ số đo được lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg. Một số nguyên nhân gây ra tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai: tuổi của người phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; trong dòng họ có người bị bệnh tăng huyết áp; chế độ dinh dưỡng lúc mang thai chưa tốt, kèm theo đó là chứng thiếu máu trầm trọng; đa thai; thai phụ có nước ối quá nhiều; thời tiết thay đổi đột ngột,...

Muốn biết chính xác số đo huyết áp phải sử dụng máy đo huyết áp, tuy nhiên thai phụ có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24. Ảnh hưởng lớn nhất là tác động của nó lên hệ tim mạch dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong. Về phía thai nhi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thai có thể bị chết lưu trong tử cung, bị ngạt thở và chết do thiếu máu cục bộ hoặc sinh non... Vì vậy cháu cần nghỉ ngơi, ăn nhạt hơn, dùng nước uống có tính lợi tiểu như nước râu ngô, mã đề... và tuân thủ chỉ định điều trị và theo dõi của bác sĩ.


Theo Sức khỏe và đời sống