Say tàu xe là tình trạng cơ thể bị rối loạn thăng bằng, dẫn đến trạng thái buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi. Say tàu xe vì thế trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người không thể đi du lịch xa.

Thông thường nhiều người sẽ chọn cách uống thuốc để chống say xe, nhưng vẫn có một số mẹo hay để giúp du khách thoát khỏi triệu chứng này một cách hiệu quả mà không cần dùng bất kỳ viên thuốc say xe nào.

s1

Ảnh minh họa

Chuẩn bị sức khỏe, tinh thần thoải mái

Trước những chuyến du lịch xa, nếu tình trạng sức khỏe không tốt vì thiếu ngủ rất dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Bên cạnh đó, việc ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như buồn nôn, mất tập trung và rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi nên đảm bảo ngủ đủ giấc, giúp thể trạng và tinh thần thoải mái nhất sẽ góp phần giảm tình trạng say xe.

Ăn uống đầy đủ

Trước mỗi chuyến đi, du khách không nên ăn quá no hoặc nhịn đói. Ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, ợ hơi, còn đói bụng sẽ làm cho dạ dày cồn cào, dễ sinh ra tình trạng buồn nôn trên xe.

Ngoài ra, hạn chế ăn những thức ăn chua cay, nhiều dầu mỡ trước lúc đi. Các loại thức ăn này dễ gây kích thích dạ dày dẫn đến buồn nôn khi di chuyển.

Lựa chọn vị trí ngồi

Lựa chọn vị trí ngồi trên các phương tiện di chuyển được xem là cách chống say tàu xe thông dụng nhất. Cuối xe thường được cho là vị trí dễ gây say xe, bởi vì trong quá trình di chuyển, các vị trí này dễ bị xóc nhất, gây ra buồn nôn, đặc biệt ở những ghế ngồi trên phần bánh xe. Vì vậy, cần lựa chọn chỗ ngồi thông thoáng như các ghế đầu xe gần tài xế hoặc ghế ở giữa, cạnh cửa sổ, tầm nhìn không bị quá hạn chế thì tình trạng này sẽ giảm bớt tình trạng say xe.

Nếu di chuyển bằng tàu thuyền, du khách nên chọn ngồi gần cửa sổ để nhìn thấy cảnh vật xung quanh. Khi đó, sự chú ý của chúng ta tập trung vào cảnh vật bên ngoài, tạm quên đi tình trạng say xe, giúp giảm cảm giác mệt mỏi, buồn nôn do sóng gây ra. Ngoài ra, lý tưởng hơn là tìm một chỗ ngồi ở giữa tàu, càng thấp càng tốt để giảm cảm giác chao đảo trước những cơn sóng mạnh ngoài khơi.

Đối với máy bay, nên chọn mua vé ở vị trí ngồi giữa hai cánh của máy bay hoặc gần phía trước máy bay. Để hạn chế tiếng ồn, rung lắc trong khi di chuyển, tránh ngồi ở phía sau máy bay.

s3
 

Ảnh minh họa

Bấm huyệt

Theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today, một số nghiên cứu cho thấy bấm huyệt có thể giúp giảm triệu chứng say tàu xe giống như châm cứu, nhưng kích thích các vị trí chữa lành này bằng áp lực ngón tay, thay vì đâm kim nhỏ. Bấm huyệt ngay dưới cổ tay có thể giúp bạn giảm buồn nôn. Để thực hiện, bạn có thể dùng ngón tay cái của một bàn tay ấn vào bên dưới cổ tay.

Chống say xe với vỏ quýt, chanh tươi, gừng

Theo Live Strong, gừng là một trong những thực phẩm tốt nhất để chống say tàu xe. Gừng có tác dụng làm dịu các giác quan, tạo cho bạn tâm trạng thoải mái, bình tĩnh.

Nhai một lát gừng tươi từ từ khi bạn bắt đầu cảm thấy choáng váng, buồn nôn. Ngoài ra, bạn có thể pha trà gừng uống trước khi lên xe khoảng một giờ hoặc mang theo khi đi xe.

Ngoài ra, mùi hương từ vỏ cam, vỏ chanh có tác dụng khử mùi. Vì vậy, hương thơm của chúng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, cũng có thể uống nước chanh pha với nước nóng hoặc trà thảo dược, trà gừng cũng có tác dụng tương tự.

s2

Ảnh minh họa

Không đọc sách báo trên xe

Các biểu hiện say xe sẽ thuyên giảm nếu ngừng đọc sách hoặc dùng điện thoại. Thay vào đó, nên nhìn ra ngoài cửa sổ để cả mắt, hệ tiền đình đều có tiếng nói chung.

Do đó, thông thường người điều khiển phương tiện sẽ ít có khả năng bị say tàu xe nhất, bởi vì không chỉ có cảm giác chính xác từ tai, mắt, các cơ quan xúc giác mà họ còn dự đoán các khúc cua, tăng tốc, giảm tốc, từ đó chủ động hơn trong việc kết nối các chuyển động của bản thân và xe, hạn chế được sự say xe một cách có chủ đích.

Đi tàu xe nhiều hơn để chống say xe

Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là cách chống say tàu xe an toàn và hiệu quả lâu dài. Việc đi tàu xe nhiều hơn sẽ giúp cơ thể dần thích nghi với tàu xe. Thường xuyên sử dụng phương tiện di chuyển sẽ tạo thành thói quen giúp làm giảm các triệu chứng như choáng váng, đau đầu, buồn nôn khi đi xe.

Theo giadinhonline.vn