Thực phẩm bên trong đồ hộp bị đổi màu là do phản ứng giữa thực phẩm với lớp vỏ kim loại - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Người dùng cần vứt bỏ nếu đồ hộp xuất hiện những dấu hiệu sau, theo MSN.

 1. Hộp bị phình

Nếu chiếc hộp bị phình, không còn giống hình dạng ban đầu thì nên bỏ đi. Nguyên nhân là do tích khí bên trong hộp thực phẩm, có thể là do sự tương tác giữa thực phẩm và kim loại.

Thậm chí, khi hộp chỉ hơi phồng lên một chút thì cũng bỏ không nên ăn, ngay cả khi vẫn còn hạn sử dụng, theo MSN.

2. Hộp gỉ sét

Gỉ sét là phản ứng hóa học ăn mòn kim loại. Vì vậy, nếu bạn phát hiện vỏ đồ hộp bị gỉ sét thì hãy vứt bỏ.

Gỉ sét có thể gây ra những lỗ nhỏ li ti trên hộp, khiến thức ăn bên trong bị hỏng.

3. Thức ăn bị mốc

Nhiều người vì tiếc nên khi thấy thức ăn trong hộp bị mốc, họ có thể bỏ phần bị mốc và ăn phần còn lại. Tuy nhiên, nấm mốc là dấu hiệu hộp đã bị rò rỉ, không còn kín. Cách tốt nhất là hãy vứt bỏ toàn bộ, theo MSN.

4. Đổi màu

Thực phẩm bên trong đồ hộp bị đổi màu có thể là do phản ứng giữa thực phẩm với lớp vỏ kim loại. Vị của chúng lúc này đã không còn ngon nữa.

Nếu nước sốt của thực phẩm có dấu hiệu thay đổi, bị đặc sệt lại thì cũng nên bỏ. Dấu hiệu này cho thấy thực phẩm đã hỏng. Ăn vào sẽ bị ngộ độc, theo MSN.

5. Bảo quản không đúng cách

Để đồ hộp được lưu trữ tốt thì không nên đặt ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh, kể cả việc dao động nhiệt độ nóng lạnh đột ngột.

Khi tiếp xúc với nhiệt độ trên 70 độ C, chất dinh dưỡng trong hộp dễ bị mất, làm tăng nguy cơ vi khuẩn gây hại phát triển.

Nếu nhiệt độ quá lạnh sẽ làm nước trong hộp bị đóng băng, co lại và nở ra sẽ làm bung nắp hộp. Do đó, cách tốt là hãy bảo quản đồ hộp ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để gần những nơi nóng như nồi cơm điện, bếp, theo MSN.

Theo thanhnien