leftcenterrightdel
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric trong máu. Đồ hoạ: Phương Anh 

 

Tập thể dục thường xuyên

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Arthritis & Rheumatism của Hội thấp khớp Hoa Kỳ (ACR) cho thấy những người tập thể dục thường xuyên có nồng độ axit uric thấp hơn những người không tập thể dục.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh gout - một bệnh viêm khớp do tích tụ quá nhiều axit uric trong máu.

Uống nhiều nước

Uống đủ nước giúp thận tăng cường bài tiết axit uric qua đường nước tiểu và giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Ngoài nước lọc, bạn có thể lựa chọn nước trái cây không đường hoặc trà xanh.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric trong máu. Bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng, hải sản, các loại đậu... Bên cạnh đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...

Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì

Thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng đến sức khoẻ và có thể khiến bạn mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, xương khớp, vấn đề về tâm thần, tăng nguy cơ mắc bệnh gout... Giảm cân sẽ giúp hạ nồng độ axit uric trong máu, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ.

Bạn có thể tham khảo một số cách giảm cân lành mạnh như giảm lượng calo nạp vào cơ thể, ăn nhiều trái cây và rau củ, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều nước...

Hạn chế rượu bia

Bia rượu chứa nhiều chất purin. Theo nhà khoa học người Đức - ông Adolph Neubauer, purin khi được cơ thể phân giải sẽ tạo ra axit uric.

Ngoài ra kiểm soát lượng rượu bia, bạn cũng nên hạn chế sử dụng đồ uống có đường, chứa nhiều caffeine, các loại thuốc có thể làm tăng axit uric như thuốc lợi tiểu.

Kiểm tra nồng độ axit uric trong máu thường xuyên

Bạn nên kiểm tra nồng độ axit uric trong máu thường xuyên để đảm bảo chỉ số axit uric trong cơ thể đang ở mức an toàn, giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

Theo laodong