Khoai tây chiên có nguy cơ gây ung thư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TP.HCM) cho biết hợp chất acrylamide có khả năng gây ung thư sẽ hình thành khi nhiệt độ quá 100 độ C trong quá trình chiên khoai tây.

Nếu thay mỡ heo bằng các loại dầu như dầu mè, dầu đậu phộng, dầu gạo… có giảm được nguy cơ ung thư khi nấu nướng không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Phương Thanh, Phú Nhuận)

- Nghiên cứu lâm sàng cho thấy chế độ ăn ít mỡ từ thịt đỏ (heo, bò) giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. 

Bên cạnh đó, việc thay thế mỡ lợn bằng dầu thực vật cũng giúp bạn giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu thực vật để chế biến thực phẩm, bạn cần sử dụng đúng cách để hạn chế tối đa nguy cơ mắc ung thư:

+ Nếu làm xốt salad hoặc không xử lý nhiệt thì dùng các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, dầu hướng dương.

+ Nếu xào ở nhiệt độ tương đối thì nên dùng dầu có ít chất béo bão hòa đa như dầu đậu phộng, dầu oliu.

+ Nếu dùng để chiên ở nhiệt độ cao thì nên dùng dầu ăn có nhiều chất béo bão hòa như dầu cọ.

Cháu thích ăn khoai tây chiên, mà đọc ở đâu người ta cũng nói món này có thể gây ung thư đường tiêu hóa. Nếu cháu ngâm khoai tây trước khi chiên khoảng 2 tiếng trong nước lạnh có giảm được lượng độc chất trong khoai tây không bác sĩ? (Thu Hường, huongthuthang10@...)

- Khoai tây chiên có nguy cơ gây ung thư là do 2 yếu tố:

Hợp chất có khả năng gây ung thư, gọi là acrylamide, sẽ hình thành khi nhiệt độ quá 1000C trong quá trình chiên khoai tây, ngoài việc chiên trong thời gian dài ở nhiệt độ cao càng làm tăng nguy cơ ung thư do việc tích tụ những hợp chất này càng lớn.

Dầu mỡ chiên ở nhiệt độ giải phóng các chất oxy hóa có khả năng gây ung thư. Việc cắt mỏng và ngâm khoai tây trước khi chiên tuy có thể giảm việc hình thành acrylamide, nhưng không thể giảm được việc hình thành chất oxy hóa trong dầu. Vì vậy, bạn cần tiêu thụ hạn chế.

Bác sĩ ơi, nếu ăn đồ chiên qua dầu mỡ là không tốt, có nguy cơ ung thư thì tôi dùng nồi chiên không dầu có thể yên tâm hoàn toàn không? (Nguyễn Hải Yến, TP.HCM)

- Nồi chiên không dầu là một dụng cụ chiên thực phẩm gần như không có dầu hoặc mỡ. Quá trình chiên dựa trên nguyên tắc là không khí nóng di chuyển xung quanh thực phẩm. Thực phẩm sẽ được khử nước dần dần ở nhiệt độ cố định 1800C. Nhờ sức nóng, thức ăn sẽ trở nên giòn và có màu nâu do phản ứng Maillard. Cuối cùng, thực phẩm sẽ ít chất béo hơn khoảng 80% so với chiên thông thường trong dầu hoặc mỡ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là món ăn đó chắc chắn tốt cho sức khỏe, vì phản ứng Mailaird kích hoạt sinh ra các chất gây ung thư. Vì vậy, nồi chiên không dầu có thể được dùng nhằm thay thế chiên nhúng trong trường hợp bạn rất thèm ăn đồ chiên, nhưng việc sử dụng cần được hạn chế tối đa.

Tôi nghe nói về một số thực phẩm khi ăn sẽ là nguy cơ của ung thư đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể cho tôi biết những thực phẩm đó là loại gì, tôi cần hạn chế như thế nào? (Nguyễn Hiền Minh, nguyenhienminh177@...)

- Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy thực phẩm có nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như:

+ Thực phẩm muối chua (ví dụ như dưa muối, kim chi) làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

+ Ăn thực phẩm quá nóng (trên 650C) là nguy cơ gây ung thư miệng, thực quản.

+ Ăn quá nhiều thịt đỏ (vượt quá 50g/ngày) hoặc thịt chế biến sẵn (ví dụ: xúc xích, salami) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

+ Việc uống bia rượu quá nhiều, đối với bia >1 lon/ngày, đối với rượu > 2 ly ngày đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ ung thư, bạn cần ăn đủ và đa dạng các loại rau quả nhằm cung cấp nhiều nhóm chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ ung thư.

Mỗi ngày ăn một quả chuối sẽ làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng phải không bác sĩ? (Dũng)

- Chuối là nguồn thực phẩm giàu vitamin B, kali, kẽm và các hợp chất chống oxy hóa. Không những chuối mà các loại rau củ quả khác đều chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa khác nhau, làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Uống rượu bia quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vì thế, chúng tôi khuyến nghị bạn nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm mỗi ngày, không nên giới hạn riêng chỉ một loại vì tất cả chúng đều mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau, giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.

Thưa bác sĩ, những ngày nắng nóng vừa qua khiến ba tôi đang điều trị ung thư dạ dày tại bệnh viện cảm thấy bức bối nhưng không thể ra ngoài, bệnh viện hiện tại cũng không có phòng dịch vụ như mong muốn. Xin hỏi có thể uống gì cho mát người mà không ảnh hưởng đến việc đang điều trị không? (Ngọc Linh, Bình Chánh, nguyen.ngoclinh@...) 

- Nước uống thông thường chính là phương pháp giải nhiệt cơ thể vừa đơn giản vừa rẻ tiền, lại không ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì thế, mỗi ngày nên uống 8-10 cốc nước loại 200ml (tương đương 2 lít nước/ngày) hoặc nhiều hơn.

Chào chuyên gia dinh dưỡng Ngọc Châu, tôi có vấn đề về đường tiêu hóa. Cụ thể là nếu ăn uống bên ngoài hàng quán, dầu mỡ, thức ăn lạ, uống nước cam, sữa… là có thể đau bụng ngay lập tức hoặc sau đó vài chục phút, hoặc sáng hôm sau đi đại tiện màu đen, vài lần liên tiếp, cách nhau vài mươi phút, sau đó mới ổn. Tôi cũng đã dùng men tiêu hóa, thuốc đại tràng, thuốc đông y, tây y, khám ở nước ngoài nhưng vẫn không ổn. Mong được bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn. (Nguyễn Quốc Vỹ)

- Các nguyên nhân dẫn tới trường hợp rối loạn tiêu hóa có thể do ăn uống bên ngoài:

 Việc ăn hàng quán bên ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn E. Coli, Salmonella…

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ thì dễ gây khó tiêu, đầy bụng. Khi các thực phẩm nhiều dầu mỡ không được chuyển hóa và hấp thu hoàn toàn ở ruột non, chúng sẽ đi xuống ruột già và bị phân cắt thành các acid béo, các acid béo này sẽ kích thích niêm mạc ruột và gây tiêu chảy.

 Sữa bò có chứa nhiều đường lactose, vì thế đối với những người không dung nạp được lactose do thiếu enzyme lactase sẽ dễ tiêu chảy.

Phân đen có thể do bạn ăn thực phẩm chứa nhiều sắt nhưng không hấp thụ tốt khiến chúng bị đào thải qua phân. Tuy nhiên, phân đen cũng là dấu hiệu đường tiêu hóa có vấn đề. Vì thế, bạn cần đến cơ sở y tế được được nội soi tầm soát bệnh đường tiêu hóa.

Trong khi tìm hiểu các loại thuốc hỗ trợ điều trị dạ dày, tôi được biết có loại thuốc CumarGold Kare được điều chế từ nghệ vàng, tam thất và tảo nâu. Xin bác sĩ tư vấn có nên dùng thuốc này hay không? Hay là tôi có thể dùng trực tiếp củ nghệ, tam thất thay vì uống thuốc trên? (Yến Trang, TP.HCM)

- CumarGold Kare là thực phẩm chức năng chỉ phổ biến ở Việt Nam và chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của sản phẩm.

Về thành phần của sản phẩm, hiện nay người ta đã nghiên cứu giữa việc sử dụng nghệ kết hợp với hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật để làm giảm tác dụng phụ của thuốc trị liệu. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu lâm sàng để đưa ra kết luận khuyến nghị. 

Tương tự, chỉ có một số nghiên cứu tế bào trong phòng thí nghiệm cho thấy tiềm năng tảo nâu và tam thất làm giảm tác dụng phụ của thuốc và cần có nghiên cứu lâm sàng để xác thực công dụng của chúng.

Vì thế, không nhất thiết phải sử dụng thực phẩm chức năng nếu không có yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ điều trị. Ngoài nghệ, tam thất, tảo nâu, bạn nên kết hợp thêm nhiều rau củ quả khác và thay đổi mỗi ngày cũng sẽ giúp nâng cao thể trạng.

Tôi vừa phát hiện bệnh K vòm họng giai đoạn 3, trong khi tôi là người sống lành mạnh, ăn uống điều độ và tập thể thao thường xuyên. Trong khi cạnh nhà tôi có mấy ông uống rượu như hũ chìm, ăn toàn đồ nhiều đạm, đồ ăn nhanh, chẳng bao giờ đi tập thể dục… lại không bị sao cả. Vậy là tôi bị K vì nguyên nhân gì và các con tôi phải chú ý điều gì để không bị bệnh giống tôi? (Thúy) 

- Một lối sống lành mạnh là tốt, những người có lối sống không lành mạnh sẽ có nguy cơ mắc phải ung thư cao và dễ mắc nhiều bệnh sau này. Tuy nhiên, ngoài lối sống và chế độ ăn uống thì ung thư còn do nhiều nguyên nhân khác như di truyền hoặc là những người mắc bệnh bạch sản niêm mạc vòm họng hoặc nhiễm virút HPV có nguy cơ ung thư vòm họng cao hơn người bình thường. 

Vì thế, để phòng tránh bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh khác cho người thân thì bạn chỉ cần hướng dẫn họ duy trì lối sống lành mạnh.

Uống mỗi ngày một ấm trà xanh tươi sẽ chống được các bệnh ung thư, nhất là ung thư vòm họng, thực quản đúng không vậy? (Quang Anh Tran)

- Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trong động vật cho thấy trà xanh có khả năng phòng chống ung thư do hợp chất chống oxy hóa trong chúng hoạt động mạnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng khẳng định vai trò của trà xanh trong phòng chống ung thư. Ngoài ra, bạn cần lưu ý việc uống trà quá nóng sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc vòm họng và thực quản, vì thế sau khi nấu trà bạn nên để nguội khoảng 50-600C.

Thức ăn đựng trong hộp xốp (em hay ăn cơm hộp) sẽ làm ta bị ung thư đúng không bác sĩ? (Tiểu Cường, Thủ Đức) 

- Trong công nghiệp, polystyrene thường được ứng dụng để sản xuất hộp giấy. Khi đựng đồ nóng, polystyrene sẽ dễ dàng thôi nhiễm vào thực phẩm ở dạng monostyren, đây là chất có khả năng gây ung thư. Vì vậy, theo khuyến nghị, các đồ hộp làm từ nhựa polystyrene chỉ nên chứa ở nhiệt độ tối đa 700C.

Bác sĩ ơi, một thông tin thật kinh hoàng: gạo lứt có chứa lượng arsen lớn có nguy cơ khiến ta bị ung thư đủ thứ. Trong khi mẹ tôi ăn trường kỳ gạo lứt muối mè và coi là loại thức ăn "đẳng cấp". Nó độc hay như vậy thật sao? (Hiền Trang)

- Arsen là nguyên tố kim loại có mặt tự nhiên trong đất trồng, nước, không khí và cây trồng có thể bội nhiễm arsen trong quá trình canh tác. Arsen có thể tìm thấy trong nhiều thực phẩm bao gồm ngũ cốc (bao gồm gạo), trái cây, rau quả và hải sản. 

Tuy nhiên, arsen tích lũy trong gạo nhiều hơn các loại cây khác và mỗi giống gạo có khả năng hấp thu arsen khác nhau, hàm lượng arsen tìm thấy nhiều nhất ở trong phần cám gạo. Vì vậy, để hạn chế việc phơi nhiễm với arsen, WHO đã đưa ra mức quy định tối đa hàm lượng arsen vô cơ trong gạo là 0,2mg/kg gạo. 

Vì thế, nếu bạn e ngại arsen có thể gây hại đến sức khỏe thì nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có thể thay đổi gạo bằng những loại ngũ cốc hoặc khoai khác như bắp, khoai lang, khoai tây… trong bữa ăn chính để bữa ăn thêm đa dạng, phong phú.

Ăn cay có thể chống được bệnh ung thư không, thưa bác sĩ? (Trần Đình Tú, Nghệ An)

- Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cho thấy việc ăn cay sẽ giúp chống được bệnh ung thư mà lại có xu hướng làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, vì vậy bạn cần hết sức hạn chế.

Con em mới 10 tuổi bị K vòm họng, sau điều trị cháu rất gầy yếu, xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và bổ sung chất dinh dưỡng? (Nguyễn Thị Phương, Đồng Nai)

- Bạn cần đảm bảo mỗi bữa ăn của bé phải đủ đậm độ năng lượng, hạn chế ăn các thực phẩm cay, nóng, mặn vì chúng sẽ kích ứng niêm mạc vòm họng khiến bé khó chịu. Ngoài ra, bạn nên đưa bé đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng sức khỏe và có chế độ ăn phù hợp giúp nâng cao thể trạng của bé.­­

                                                                                                                                                                                   Theo Tuổi Trẻ