Thế giới đã chứng kiến những bước tiến lớn trong việc phát triển vaccine chống lại Covid-19. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những biện pháp can thiệp khác như thuốc điều trị hiệu quả vẫn là một thách thức lớn.
Hơn một năm rưỡi sau đại dịch, các nhà nghiên cứu vẫn chịu áp lực đáng kể trong “cuộc chạy đua" tìm ra loại thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Tỷ lệ tiêm chủng cao có thể giúp một số quốc gia giàu có đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, nhưng nhu cầu về thuốc điều trị vẫn rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh biến chủng Delta đang hoành hành ở những quốc gia bị hạn chế khả năng tiếp cận vaccine.
Trên thực tế, ngay cả ở những nước có nguồn cung dồi dào, một số người vẫn chưa tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau, theo MIT Technology Review.
“Sự cần thiết của các phương pháp chữa trị bệnh, điều mà dường như nhiều hãng dược phẩm đã bỏ quên trước đây, đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết”, Rachel Cohen, giám đốc điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của chương trình Sáng kiến về thuốc cho các dịch bệnh bị bỏ rơi (DNDi), cho biết. “Chưa bao giờ trong lịch sử kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chỉ một ‘vũ khí' là đủ”.
Chốt chặn quan trọng
Mặc dù đã có vaccine, sự mất cân bằng trong phân phối mặt hàng này vẫn đang khiến hàng nghìn người mắc bệnh nặng và tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.
Ở các quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào loại thu nhập cao, tỷ lệ mũi vaccine đã tiêm trên 100 người là 104/100. Con số này chỉ còn 2/100 ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Trong bối cảnh đó, thuốc điều trị Covid-19 được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng cứu thêm mạng sống của nhiều bệnh nhân.
Theo bà Cohen, các loại thuốc mới có thể giúp những người nhiễm bệnh tránh phải nhập viện và cũng có thể ngăn bệnh nhân nhập viện tử vong.
Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng “đặc biệt là ở những nơi mà hệ thống y tế và đơn vị điều trị tích cực (ICU) còn hạn chế", bà Cohen cho biết.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 5. Ảnh: Reuters
Các loại thuốc điều trị cũng có thể là một chốt chặn quan trọng một khi virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức tránh được phản ứng miễn dịch ở những người đã được tiêm vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù tỷ lệ rất thấp nhưng Mỹ ghi nhận khoảng 6.000 trường hợp nhiễm bệnh nặng trong số hơn 163 triệu người đã tiêm chủng hai mũi vaccine.
“Tìm phương án điều trị Covid-19 là rất quan trọng bởi vì vaccine không hiệu quả 100%”, giáo sư Dale Fisher - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho biết. “Một số người sẽ từ chối tiêm chủng và đôi khi, có người đã chủng ngừa vẫn có thể mắc bệnh. Có khả năng sẽ xảy ra trường hợp như vậy, vì vậy chúng tôi muốn tìm ra các lựa chọn tốt nhất”.
Bên cạnh đó, theo MIT Technology Review, còn có lý do khác khiến việc tìm ra các loại thuốc trở nên cấp thiết. SARS-CoV-2 là loại coronavirus thứ ba lây từ động vật sang người xuất hiện trong 20 năm qua và theo nhà virus học Michael Diamond tại Đại học Y khoa Washington, “đây có thể không phải là loại virus corona cuối cùng mà con người nhìn thấy”.
Kho vũ khí còn thiếu
Dẫu vậy, virus biến đổi liên tục khiến việc tìm ra loại thuốc hiệu quả vẫn là thách thức lớn đối với con người.
Đối với những bệnh nhân nặng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng steroid dexamethasone làm giảm 1/3 nguy cơ tử vong.
Những liệu pháp khác nhằm vào chính virus. Một số công ty đã được cấp phép để sản xuất thuốc kháng thể đơn dòng. Theo đó, các kháng thể, còn được biết đến là protein tạo ra từ phòng thí nghiệm, có khả năng bắt chước hệ thống miễn dịch để ngăn chặn kháng nguyên có hại như virus.
Khi được sử dụng sớm, kết hợp cùng với phương pháp điều trị khác, thuốc có thể giảm tỷ lệ phát triển bệnh nặng hoặc tử vong từ 70-87% ở những người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ hoạt động tốt nhất khi những bệnh nhân chưa tiến triển nặng nặng.
Loại kháng thể hỗn hợp của Regeneron - từng sử dụng điều trị cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông có kết quả dương tính với căn bệnh này vào tháng 10/2020 - cũng đã được các nhà khoa học Anh tiến hành Thử nghiệm Phục hồi chấp thuận. Theo báo cáo thử nghiệm trên quy mô 9.000 người, kháng thể đã giảm bớt được 20% số ca tử vong.
Virus biến đổi liên tục khiến việc tìm ra loại thuốc hiệu quả vẫn là thách thức lớn. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, nhược điểm của liệu pháp kháng thể là đắt tiền và phải được tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của nhiều nước thu nhập trung bình hoặc thấp. Bên cạnh đó, một số kháng thể có thể không hoạt động hiệu quả trước sự xuất hiện của biến chủng mới.
Với thuốc kháng virus, tức làm gián đoạn khả năng tái tạo của virus, Remdesivir là loại thuốc đầu tiên - và duy nhất, tính đến nay - được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đầy đủ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, hiệu quả của loại thuốc vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Cần thêm nhiều thuốc trị Covid-19
Trái ngược với cuộc đua điều chế vaccine khi đã có những hãng dược phẩm về đích, đến nay, cuộc đua sản xuất thuốc trị Covid-19 vẫn còn bỏ ngỏ.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là vì thuốc và vaccine có cơ chế hoạt động khác nhau. Với vaccine, nó chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, sự "bỏ quên" của thế giới cũng là lý do khiến việc phát triển thuốc trị Covid-19 chậm trễ từ vạch xuất phát. Trước khi đại dịch xuất hiện, thay vì tập trung sản xuất thuốc kháng virus, các công ty dược quan tâm đến những loại thuốc kháng sinh khác, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
“Nếu không có một thị trường rõ ràng cho một loại thuốc thì nói chung, họ (các công ty dược) sẽ không đầu tư vào những loại thuốc đó”, ông John Bamforth, giám đốc điều hành READDI cho biết.
Phát triển thuốc điều trị Covid-19 giúp cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. Ảnh: AP.
Ngoài ra, sự xuất hiện của biến chủng mới cũng đặt ra thách thức, đòi hỏi việc phát triển các thuốc kháng virus hiệu quả cần nhắm vào các "mục tiêu bảo tồn" - chính là những thành phần của virus SARS-CoV-2 hiếm khi thay đổi ngay cả nó biến đổi. Đó là một quy trình phức tạp và tốn kém.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả vẫn được xem là giải pháp bền vững để chấm dứt đại dịch cùng với các biện pháp khác như vaccine, giãn cách xã hội.
Theo Zing