WHO hy vọng thỏa thuận này sẽ được thống nhất vào giữa tháng Năm nhưng không thành công. Những ngày đầu tháng Sáu, WHO thông báo các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận toàn cầu mới để ứng phó với các đại dịch trong tương lai sẽ hoàn tất vào năm 2025 hoặc sớm hơn, nếu có thể.

Trước tình hình này, bà Helen Clark (cựu Thủ tướng New Zealand) và Ellen Johnson Sirleaf (cựu Tổng thống Liberia) - đồng Chủ tịch của Hội đồng Độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch do WHO thành lập vào năm 2020 - đã cùng bày tỏ sự lo ngại. Trong một báo cáo mới, hội đồng đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới đang “đánh bạc với sức khỏe và phúc lợi của con cháu họ” khi không chuẩn bị cho một đại dịch trong tương lai.

leftcenterrightdel
 WHO cảnh báo sau COVID-19, thế giới cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng tiếp tục xảy ra những đại dịch khác - Ảnh minh họa: Getty Images; Freepik

2 nữ chính khách cấp cao nói trên cho biết, việc thiếu chuẩn bị khiến thế giới dễ bị “tàn phá” trước bất kỳ mối đe dọa đại dịch mới nào. “Đây không phải là lúc để đánh bạc. Không hành động là một lựa chọn nguy hiểm” - báo cáo nhấn mạnh và cảnh báo: “Đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 đang ảnh hưởng đến số lượng ngày càng tăng của các loài động vật có vú, bao gồm cả bò sữa ở Mỹ, Úc và báo hiệu một đại dịch cúm mà thế giới gần như chưa sẵn sàng để đối phó”.

Trong khi đó, một dạng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) mới nguy hiểm hơn đã khiến trẻ em tử vong ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi có rất ít cơ hội được xét nghiệm và không có vắc xin. “Điều tồi tệ nhất có thể sắp xảy ra. Chúng ta cần chuẩn bị cho điều gì đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tiếp thêm năng lượng cho các nhà lãnh đạo trong việc chuẩn bị trên quy mô toàn cầu và quốc gia. Chúng ta thiếu các hệ thống hiệu quả mà các nước thu nhập thấp và trung bình có thể dựa vào để tiếp cận thuốc và vắc xin trong trường hợp xảy ra đại dịch mới” - bà Helen Clark nói.

Trong suốt 2 năm, 194 quốc gia thành viên của WHO đã đàm phán nhằm xây dựng một khuôn khổ ràng buộc để quốc tế phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với các đại dịch. Các cuộc đàm phán đã kéo dài trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo về các vấn đề như chia sẻ vắc xin và các biện pháp ứng phó. “Hệ thống giám sát thiếu chặt chẽ và có khoảng cách nguy hiểm về niềm tin giữa các quốc gia. Các quỹ hiện có rất mờ nhạt so với nhu cầu và những quốc gia có thu nhập cao đang bám quá chặt vào các phương pháp tiếp cận vốn, trong khi các nước nghèo lại phải vật lộn nợ nần, không thể đóng góp. Thỏa thuận về đại dịch là quan trọng và phải thành công, thế nhưng vẫn chưa được thống nhất. Nói tóm lại, nếu ngày nay có một mối đe dọa đại dịch, chẳng hạn như nếu H5N1 bắt đầu lây lan từ người sang người thì thế giới có thể sẽ bị choáng ngợp” - bà Helen nói thêm.

Bà Johnson Sirleaf đồng tình: “Có những bài học được rút ra từ dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Chỉ 5 năm sau, chưa áp dụng những bài học đó, lại có bài học rút ra từ COVID-19. Thay vì đánh bạc với tương lai, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định thiết thực và áp dụng ngay”.

Theo phụ nữ TPHCM