leftcenterrightdel
 Người dân được xét nghiệm HIV tại một phòng khám di động ở thị trấn Kyenjojo, Uganda - Nguồn ảnh: Jake Lyell/Alamy

Tại châu Âu, báo cáo do văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đồng công bố cho thấy: việc cải thiện khả năng tiếp cận xét nghiệm đã giúp tăng tỉ lệ chẩn đoán HIV 4,2%, có 37/49 quốc gia châu Âu báo cáo số lượng ca nhiễm tăng lên vào năm 2022, đưa tổng số bệnh nhân HIV được chẩn đoán lên khoảng 2,4 triệu người. Giám đốc ECDC, Tiến sĩ Andrea Ammon cho biết: “Mặc dù sự gia tăng số ca chẩn đoán vào năm 2022 có vẻ là một điều tồi tệ, nhưng đó là bằng chứng cho thấy những người nhiễm HIV có khả năng tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ tốt hơn”.

Tại châu Á, theo một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ở nước này đã tăng từ 1,09/100.000 người vào năm 2002 lên 79,62/100.000 người vào năm 2021. Hơn 1 triệu người ở Trung Quốc đang sống chung với HIV/AIDS. Một lĩnh vực mà Trung Quốc đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giám sát và điều trị HIV là xét nghiệm. Số xét nghiệm HIV hàng năm đã tăng từ 45 triệu lên 200 triệu trong giai đoạn 2008 - 2018. Trong khi đó theo UNAIDS, Philippines là nước có số ca nhiễm HIV tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mức tăng trung bình 237% từ năm 2010-2020. Đồng thời, số ca tử vong liên quan đến AIDS cũng tăng trung bình 315%. Nếu tốc độ này không giảm, số người nhiễm HIV tại Phlippines có thể lên tới 364.000 vào năm 2030, gấp đôi so với ước tính 158.400 ca vào năm 2022. Đáng quan tâm, Bộ trưởng Y tế Philippines Teodoro Herbosa tiết lộ vào giữa tháng 11, 47% số ca nhiễm mới hàng ngày liên quan đến những người trẻ từ 15-24 tuổi.

Theo UNAIDS, thế giới có thể tiến đến chấm dứt đại dịch HIV/AIDS bằng cách đạt được nhóm mục tiêu “95-95-95”. Tức ít nhất 95% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh của mình; ít nhất 95% số người đó được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; ít nhất 95% phải có tải lượng vi rút ở mức không thể phát hiện được. Câu hỏi quan trọng là làm thế nào các nước đạt được những mục tiêu này?

Quốc gia châu Phi Botswana là một hình mẫu cho các nước khác noi theo. Năm 2008, khoảng 33% phụ nữ mang thai ở độ tuổi 15-49 tại Botswana nhiễm HIV. Đến năm 2022, tỉ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 24%. Năm 2021, WHO tuyên bố Botswana là quốc gia đầu tiên trong nhóm nguy cơ cao đang trên đà loại bỏ các ca nhiễm HIV mới ở trẻ em.

Thành tựu của Botswana chủ yếu xuất phát từ những nỗ lực nhằm đảm bảo rằng bệnh nhân HIV và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất có thể tiếp cận các biện pháp can thiệp sinh tồn. Chúng bao gồm các loại thuốc kháng vi rút giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, bảo vệ người nhiễm bệnh khỏi nguy cơ trở nặng hoặc tử vong, sử dụng bao cao su, liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). 

Ở Anh, phương pháp điều trị bao gồm uống thuốc PrEP chứa tenofovir và emtricitabine trước khi quan hệ tình dục được cơ quan dịch vụ y tế công cộng cung cấp miễn phí kể từ năm 2020. Victoria Roscow - một phụ nữ nhiễm HIV ở thị trấn Blackburn, hạt Lancashire - đã sử dụng mạng xã hội để khuyến khích mọi người coi HIV "giống như bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác".

Lúc được chẩn đoán nhiễm HIV khi đang mang thai 9 tuần, cô nghĩ rằng đó là một "bản án tử hình”. Người phụ nữ 29 tuổi từng quan hệ tình dục không an toàn trước khi cưới. Điều may mắn là chồng và con trai cô đều âm tính với HIV. Hiện tại, việc sử dụng thuốc kháng vi rút giúp cô sống một cuộc sống bình thường. Victoria chia sẻ: "HIV không định nghĩa con người tôi, nó chỉ là một phần thói quen hằng ngày của tôi vào thời điểm này".

Tuy nhiên, có nhiều rào cản khiến mọi người khó tiếp cận xét nghiệm và tham gia liệu pháp kháng vi rút kịp thời. Một báo cáo mới của UNAIDS kêu gọi các nước công nhận và tài trợ cho những tổ chức cộng đồng hoạt động giúp chống lại sự kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS trên diện rộng.

Bà Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành của UNAIDS - cho biết, nhóm quốc gia có luật chống lại người thuộc cộng đồng LGBTQ+ hoặc hình sự hóa hoạt động mại dâm chiếm phần lớn trong số những nơi có số ca nhiễm HIV mới gia tăng. Kỳ thị, phân biệt đối xử và thiếu giáo dục giới tính toàn diện cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề. 

Theo phụ nữ TPHCM