leftcenterrightdel
Covid-19 vẫn gây ra các tình trạng ảnh hưởng não bộ cao hơn sau 2 năm khỏi bệnh. Ảnh: Financial Times. 

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry cho thấy người nhiễm nCoV có nguy cơ mắc một số rối loạn não cao hơn sau 2 năm khỏi bệnh. Công trình này do các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) thực hiện, dựa trên dữ liệu hồ sơ sức khỏe của gần 1,3 triệu người trên toàn cầu.

Nguy cơ bị suy giảm nhận thức vẫn kéo dài sau 2 năm

Theo Washington Post, các tác giả phát hiện hai xu hướng trái ngược nhau về di chứng hậu Covid-19.

Thứ nhất, nguy cơ gặp rối loạn tâm thần đã trở lại mức bình thường trong vòng vài tháng. Ngược lại, nguy cơ bị sa sút trí tuệ, động kinh, rối loạn tâm thần và suy giảm nhận thức (hay sương mù não) vẫn tăng cao sau 2 năm khỏi bệnh. Người lớn dường như có nguy cơ đặc biệt bị sương mù não kéo dài. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều ca khỏi Covid-19.

Theo ước tính của chính phủ Mỹ, khoảng 7-23 triệu người ở nước này gặp tình trạng Covid-19 kéo dài. Đây là thuật ngữ chỉ một loạt triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó thở và lo lắng kéo dài nhiều tuần và nhiều tháng sau khi đợt nhiễm trùng Covid-19 cấp tính. Con số này dự kiến tăng lên khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả sử dụng dữ liệu của gần 1,3 triệu bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 20/1/2020 đến 13/4/2022. Họ cũng được so sánh tương đương với các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp khác trong đại dịch.

Dữ liệu do mạng lưới hồ sơ sức khỏe điện tử TriNetX cung cấp, phần lớn đến từ Mỹ, số còn lại là của Australia, Anh, Tây Ban Nha, Bulgaria, Ấn Độ, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Nhóm nghiên cứu gồm 185.000 trẻ em và 242.000 người lớn. Phân tích này tiết lộ các rủi ro khác nhau tùy theo độ tuổi. Trong đó, những người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng tâm thần kinh kéo dài.

Những người trong độ tuổi từ 18 đến 64, nguy cơ gia tăng đặc biệt đáng kể là tình trạng sương mù não dai dẳng , ảnh hưởng đến 6,4% bệnh nhân. Con số này ở nhóm đối chứng là 5,5%.

Sau 6 tháng nhiễm bệnh, nguy cơ bị rối loạn tâm trạng ở trẻ em không tăng. Song, trẻ vẫn có nhiều nguy cơ bị sương mù não, mất ngủ, đột quỵ và động kinh. Không có ảnh hưởng nào trong số đó là vĩnh viễn với trẻ em. Ngoài ra, chứng động kinh, vốn rất hiếm gặp, nguy cơ gia tăng càng lớn.

Nghiên cứu cũng cho thấy 4,5% người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ trong 2 năm sau khi nhiễm bệnh. Con số này ở nhóm đối chứng là 3,3%. Các nhà nghiên cứu cho biết mức tăng 1,2 điểm trong chẩn đoán gây tổn hại như chứng sa sút trí tuệ là điều đặc biệt đáng lo ngại.

Nghiên cứu này được đưa ra sau khi nhóm tác giả công bố một công trình khác vào năm 2021 cho thấy 1/3 người mắc Covid-19 bị rối loạn tâm trạng, đột quỵ hoặc mất trí nhớ sau 6 tháng nhiễm bệnh.

Báo cáo mới cũng lưu ý không thể so sánh đầy đủ giữa tác động của các biến chủng gần đây, bao gồm cả Omicron và dòng phụ của nó. Dù vậy, các tác giả đã chỉ ra một số phát hiện ban đầu. Đó là Covid-19 gây ra các triệu chứng tức thời ít nghiêm trọng hơn, nguy cơ gặp vấn đề về thần kinh và tâm thần lâu dài xuất hiện tương tự ở làn sóng Delta. Điều này cho thấy gánh nặng với hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới có thể tiếp tục ngay cả với các biến chủng ít gây bệnh nghiêm trọng.

Tiến sĩ Hannah Davis, chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ, đánh giá những phát hiện này rất có ý nghĩa. “Nó đi ngược lại với câu chuyện Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn, ảnh hưởng ít hơn tới hậu Covid-19. Điều này không dựa trên cơ sở khoa học. Chúng ta đã thấy hậu Covid-19 ở mọi lúc. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng ban đầu không phải vấn đề khi chúng ta nói về những di chứng lâu dài hủy hoại cuộc sống của con người", ông Davis nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Hậu Covid-19 được cho là vấn đề nghiêm trọng, bất kể người bệnh nhiễm chủng nào. Ảnh: iStock. 

Hạn chế của nghiên cứu

 Giáo sư Paul Harrison, Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này mang tới cả tin tốt lẫn tin xấu. Điều khiến họ an tâm là các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng sẽ sớm biến mất.

Ông Harrison nói: “Tôi rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm vì di chứng tâm thần thuyên giảm nhanh chóng".

Tuy nhiên, tiến sĩ David Putrino, Hệ thống Y tế Mount Sinai ở New York, Mỹ, người đã nghiên cứu những tác động lâu dài của Covid-19 kể từ đầu đại dịch, lại cho rằng nghiên cứu này tiết lộ một số kết quả rất đáng lo ngại.

Ông nói: “Nó cho chúng ta thấy rõ các di chứng tâm thần kinh xuất hiện đáng kể ở những người bị hậu Covid-19 và thường xuyên hơn nhiều so với nhóm không mắc bệnh".

Điểm hạn chế của nghiên cứu này đó là chỉ tập trung vào các tác động thần kinh và tâm thần của Covid-19 nên không phải là theo dõi mang tính dài hạn. Ông Putrino nhấn mạnh: “Sẽ là sai lầm và phi khoa học nếu đưa ra giả định ngay lập tức tất cả tình nguyện viên tham gia đều có kết quả chung".

Theo zingnews