Kết hợp y học hiện đại và cổ truyền

Một bác sĩ người Nhật Bản tự giới thiệu: "Xin chào các bạn, tôi là Akiyoshi Horie, hiện đang hành nghề bác sĩ y học cổ truyền". Trong hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Akiyoshi Horie vận dụng kiến thức y học hiện đại và cổ truyền để trực tiếp điều trị thành công cho khoảng 50.000 ca bệnh ở Nhật Bản và các nước khác.

Thêm lợi ích cho việc chữa trị tim mạch nhờ đi bộ - Ảnh 1.

Đi bộ ở công viên Tao Đàn, TP.HCM

Chu Tuấn Huy

Qua theo dõi người dân đi bộ tập thể dục, bác sĩ Akiyoshi Horie phát hiện các cơ của bắp chân co giãn theo từng bước đi để đưa máu từ dưới chân trở về tim, giống như nhiệm vụ của các van tĩnh mạch. Điều này khiến ông xem bắp chân như là "trái tim thứ hai" của cơ thể. Ông nhận ra lưu thông máu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người nên tìm cách nâng cao hiệu quả của cơ bắp chân. Điều này được ông giải thích rõ hơn qua quyển sách Lưu thông máu tốt hóa giải bách bệnh.

Hãy để đôi chân mình hoạt động

Trong cuốn Lưu thông máu tốt hóa giải bách bệnh, bác sĩ Akiyoshi Horie nhắc đến "khả năng đưa máu về tim kém có những dấu hiệu mà mắt thường có thể nhận biết". Đó là chứng giãn tĩnh mạch với các mạch máu ở phần bắp chân nổi lên loằng ngoằng như rắn bò hay đan vào nhau như mạng nhện, dẫn đến việc không đủ khả năng đưa máu về tim, việc lưu thông của máu trong cơ thể rất kém.

Bàn chân, trong đó cụ thể dồn vào gót chân, chính là vị trí gánh chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể mỗi người. Vì vậy, bác sĩ Akiyoshi Horie kêu gọi hãy để đôi chân mình hoạt động bằng cách đi bộ đúng cách, giúp cải thiện trực tiếp lưu thông máu.

Cần đi bộ và chạy bộ tại chỗ

Ông Hữu Việt (63 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) là người có kinh nghiệm nhiều năm đi bộ đúng cách. Ông chia sẻ: "Tôi có đọc sách Lưu thông máu tốt hóa giải bách bệnh, rất đồng tình với những điều bác sĩ Akiyoshi Horie đã nêu trong sách. Riêng chuyện đi bộ rất dễ thực hiện vì không phải tốn kém gì, lại có tác dụng tốt cho sức khỏe, như giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng cường chức năng não, ngăn ngừa viêm khớp và loãng xương...

Theo ông Việt, người tập nên khởi động kỹ và tập đúng phương pháp. Để có lợi ích lâu dài và bảo vệ cột sống cổ, khi đi bộ bạn nên chú ý các điều cơ bản là đặt gót chân xuống trước, giữ lưng thẳng, cằm song song với mặt đất và nhìn thẳng phía trước.

Ngoài ra, bạn có thể thêm bài tập rất đơn giản, an toàn hơn so với chạy bộ bên ngoài mà có hiệu quả khá cao là chạy bộ tại chỗ. Chạy bộ tại chỗ còn giúp tinh thần được thoải mái, tiêu hóa tốt, mỡ thừa và chất thải bị đốt cháy và theo lỗ chân lông ra ngoài... Nhờ vậy, tuần hoàn máu được kích thích, máu được làm sạch để tốt cho tim mạch.

Bác sĩ Akiyoshi Horie còn giới thiệu thêm một bài tập có ích khác là "vận động nâng hạ gót chân" với các động tác sau: 1) Đứng trên đầu ngón chân; 2) Trong trạng thái kéo căng cơ như vậy, từ từ nâng gót chân (khoảng 5 giây); 3) Mỗi đợt thực hiện 30 lần và mỗi ngày nên thực hiện khoảng 2 đợt, chia đều vào buổi sáng và buổi tối.

Bác sĩ người Nhật Bản này còn cho biết: "Trên đây là bài tập giúp luyện cơ bắp, tăng cường khả năng đưa máu về tim, từ đó trực tiếp cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, bài tập còn giúp giải quyết chứng đau vai gáy". 

Theo Thanh niên