leftcenterrightdel
 Tổ chức Y tế Thế giới phân loại virus Nipah là tác nhân gây bệnh ưu tiên vì khả năng gây ra dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Ngày 16/9, một quan chức y tế địa phương cho biết, bệnh nhân tử vong là một sinh viên 24 tuổi ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ và 151 người tiếp xúc với nạn nhân đang được theo dõi để ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người này.

Đây là ca tử vong thứ 2 do virus Nipah gây ra ở Kerala kể từ tháng 7.

Nipah được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là tác nhân gây bệnh ưu tiên, vì khả năng gây ra dịch bệnh. Hiện chưa có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng và cũng không có phương pháp điều trị nào để chữa khỏi bệnh.

Kerala là một trong những số nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất trên toàn cầu. Nipah, có nguồn gốc từ dơi ăn quả và các loài động vật như lợn, có thể gây sốt sưng não và tử vong ở người.

Bác sĩ R. Renuka - một nhân viên y tế quận tại thị trấn Malappuram, phía bắc Kerala - cho biết, nam sinh viên này bắt đầu có triệu chứng sốt vào ngày 4/9 và tử vong sau đó 5 ngày.

Bác sĩ Renuka cho biết mẫu máu của nạn nhân được gửi đến Viện Virus học Quốc gia ở Pune để xét nghiệm đã xác nhận nạn nhân bị nhiễm virus Nipah vào ngày 9/9.

Bà cho biết 5 người khác có triệu chứng ban đầu của bệnh nhiễm Nipah đã được lấy mẫu máu và gửi đi xét nghiệm, nhưng không nói rõ liệu họ có phải là người tiếp xúc chính với người đã chết hay không.

Riêng 151 người đang được theo dõi các triệu chứng sau khi họ được phát hiện có tên trong danh sách liên lạc chính của nạn nhân, người đến từ Bengaluru.

Đây là ca tử vong thứ 2 do nhiễm Nipah tại Malappuram trong năm 2024, sau khi một cậu bé 14 tuổi tử vong vì loại virus này vào tháng 7.

Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại ổ dịch ở một trang trại lợn ở Malaysia, virus này cũng được tìm thấy ở một số động vật nuôi khác như ngựa, dê, cừu, mèo, chó. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, tại Malaysia chưa ghi nhận ổ dịch mới.

Đến năm 2001, bệnh do vi rút Nipah được ghi nhận đầu tiên trên người tại Bangladesh và sau đó ghi nhận rải rác hàng năm với khoảng dưới 67 trường hợp mắc bệnh/năm. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Bangladesh cũng ghi nhận 11 ca bệnh do vi rút Nipah với tỷ lệ chết/mắc là 73%.

Năm 2001, tại bang Siliguri, Ấn Độ cũng ghi nhận ổ dịch do vi rút Nipah tại một cơ sở y tế. Nipah có liên quan đến cái chết của hàng chục người ở Kerala kể từ lần đầu tiên xuất hiện ở tiểu bang này vào năm 2018.

Diễn tiến của bệnh

Thời gian ủ bệnh trong khoảng 4-14 ngày. Bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng hoặc dẫn đến tử vong.

Người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, nôn, đau họng. Bệnh có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm não với diễn biến nhanh trong vòng 24-48 giờ.

Tỷ lệ chết/mắc chung toàn cầu khoảng 40-75%.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo phụ nữ TPHCM