Báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều bài viết giới thiệu tía tô. Bài viết này cung cấp thêm cho độc giả những bài thuốc kết hợp với tía tô trị bệnh.
Tía tô chữa cảm cúm: Trong người cảm thấy ớn lạnh, nhức đầu, ho khan, hơi thở nóng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi. Trẻ em thường thường bị tiêu chảy, nôn mửa. Sốt cao 39 đến 40 độ.
Điều trị: Nấu cháo đậu xanh, khi cháo đã chín chúng ta bỏ vào 20 gam lá tía tô tươi đã thái nhỏ, 8 gam gừng tươi và các gia vị vừa đủ, ăn cháo lúc nóng. Sau đó đắp chăn thật kín để cho ra mồ hôi, tránh nằm ở những nơi gần cửa sổ, tránh gió lùa.
Xông: Dùng lá tía tô thêm các loại thảo mộc khác như lá chanh, lá bưởi, bạc hà, lá sạ, lá tre, lá ngải cứu, lá kinh giới, hương nhu … Mỗi thứ 1 bó, rửa thật sạch, cho vào nồi rồi đun sôi. Đặt nồi nước xông còn nóng trước mặt rồi phủ chăn lên, mở nắp nồi xông dần dần không để hơi thoát ra ngoài. Ngoài ra có thể trước khi xông hay sau khi xông uống một bát nước trong nồi xông là tốt nhất.
Phụ nữ mang thai chán ăn và buồn nôn: Khi người phụ nữ mang thai có những thay đổi nội tiết tố của cơ thể khiến cơ thể chán ăn buồn nôn. Nguyên nhân có thể là do hormone hCG tăng cao. Hiện tượng này sẽ giảm hay biến mất vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Điều trị:
- Lá tía tô 20 gam
- Ngải cứu 16 gam
- Rau muống 20 gam
- Bạch chỉ 20 gam
Tất cả cho vào nồi sắc với 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, uống trong 1 tháng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể dùng lá tía tô để hãm trà uống hàng ngày hoặc có thể ăn sống như một món rau thông thường hiệu quả cũng rất tốt.
Trẻ em bị ngứa, mẩn đỏ: Đây là một loại dị ứng da, những tác nhân gây kích ứng phù nề trên da. Càng gãi càng ngứa, các nốt mẩn đỏ càng nhiều.
Điều trị: Lấy 1 bó lá tía tô tươi, rửa sạch, sau đó đem giã nhuyễn lấy nước thoa lên các vùng bị ngứa, mẩn đỏ. Các chỗ mẩn đỏ và ngứa sẽ giảm dần và mất. Sau khi nước lá tía tô đã khô lại, cho trẻ tắm lại bằng nước ấm cho sạch sẽ. Nên làm theo phương pháp này trong 2 đến 3 ngày hoặc liên tục trong 1 tuần, hiệu quả rất tốt đối với trẻ.
Đầy bụng, khó tiêu: Nguyên nhân là rối loạn tiêu hoá, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây cũng có thể do thói quen ăn uống gây ra, cũng có thể do bệnh lý của tiêu hóa gây ra. Cảm giác đau, tức ở bụng, khó chịu ở vùng bụng.
Điều trị:
- Lá tía tô 20 gam,
- Trần bì (vỏ quýt) 10 gam
- Tỏi 1 tép
- Chỉ thực 10 gam
- Gừng 4 lát
Tất cả nguyên liệu trên đều sắc lấy nước uống 2 đến 3 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng 1 nắm lá tía tô, rửa sạch ăn như rau sống, hoặc có thể xay nhuyễn lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Giải độc và chống mệt mỏi cho cơ thể: Với tính chất ấm, vị cay, lượng tinh dầu dồi dào có tính kháng khuẩn cao nên nhiều người cho rằng dùng nhiều lá tía có thể gây nóng trong người. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, lá tía tô không sinh nhiệt, chứa nhiều chất xơ, làm giảm tính ấm và mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Điều trị:
- Lá tía tô 1 bó
- Gừng 6 lát
- Hương nhu 1 bó
- Kinh giới 1 bó
- bạc hà 1 bó
- 1 thìa canh
Các vị trên rửa sạch, bỏ vào nồi nấu sôi lên rồi xông hơi. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước này để ngâm chân ở nhiệt độ 40 đến 45 độ. Nếu lá được rửa sạch, bạn cũng có thể uống một bát nước trước hoặc sau khi xông để giúp giảm mệt mỏi cho cơ thể.
Ngộ độc thực phẩm do ăn cua, ốc: Cua, ốc có thể nhiễm độc do các yếu tố trong tự nhiên, do hóa chất...Các loại ngộ độc này đều có biểu hiện chung như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi.
Điều trị:
- Lá tía tô 80 gam
- Gừng 6 lát
Tất cả rửa sạch, đun sôi uống liên tục 2 đến 3 lần trong ngày. Trường hợp bị dị ứng mẩn ngứa do ăn hải sản cũng có thể đắp lá tía tô nghiền nát lên chỗ mẩn ngứa.
Chữa bệnh táo bón: Nguyên nhân là do rối loạn tiêu hoá, nhu động hoạt động của ruột kém sẽ gây ra táo bón. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân bệnh lý khác.
Điều trị: Đối với trường hợp người cao tuổi và người suy nhược cơ thể do bệnh táo bón. Dùng hạt tía tô và hạt vừng mỗi loại khoảng 20 gam. Nghiền cả hai thành bột, hòa vào nước, sau đó để khoảng một thời gian, lọc lấy nước nấu với gạo thành cháo cho bệnh nhân uống rất hiệu quả.
Ngoài ra, cũng có thể dùng hạt tía tô và hạt vừng, mỗi loại 25 gam, xay thành bột mịn, hòa với nước, đun sôi đến khi chín, lọc lấy nước, uống thay nước hàng ngày.
Chữa ho ở trẻ sơ sinh: Ho là các triệu chứng thông thường của trẻ khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp để tống bài tiết ra khỏi cơ thể thông qua đường thở.
Điều trị: Trong y học cổ truyền lá tía tô có tác dụng bổ sung lá lách, giảm ho ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Lá tía tô còn có tác dụng long đờm nên rất hữu ích cho trẻ sơ sinh bị ho, có đờm. Một trong những công dụng của lá tía tô dành cho trẻ nhỏ là chữa bệnh ho.
Bài thuốc trị ho bằng lá tía tô cho trẻ sơ sinh:
- Lá tía tô 20 gam,
- Hoa đu đủ đực 6-12 gam,
- Hoa đào 6 gam,
- Đường phèn 8 gam
Các vị thuốc này rửa sạch bằng nước, sau đó cho tất cả vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy nước, thêm 6 gam đường phèn. Tất cả cho vào bát rồi đem cách thuỷ. Mỗi lần khoảng nữa thìa (2,5ml), mỗi ngày 3 đến 5 lần uống cho đến khi trẻ hết ho. Bài thuốc này đặc biệt hiệu quả với trẻ sơ sinh bị ho khan, ho nhiều, có nhiều đờm. Mỗi lần cho bé nhỏ một lượng nhỏ để tinh dầu thẩm định tăng dần, giúp diệt khuẩn và giảm cảm giác khó chịu ở đường hô hấp trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn