Theo một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Y học Huyết học, thiếu máu ác tính là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra ở 0,1% dân số nói chung và 1,9% ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng có tới 50% trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 ở người lớn là do thiếu máu ác tính. Loại thiếu máu này được gọi là “ác tính” vì nó từng được coi là một căn bệnh chết người do thiếu phương pháp điều trị.

Ngày nay, tình trạng này tương đối dễ điều trị bằng cách tiêm vitamin B12 hoặc có thể bổ sung bằng đường uống. Nếu không được điều trị, việc thiếu hụt vitamin B12 do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến các biến chứng nặng.

Bệnh thiếu máu ác tính là gì?

Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu thấp (RBCs) hơn bình thường. Thiếu máu ác tính là một căn bệnh trong đó các tế bào hồng cầu được hình thành một cách bất thường do thiếu vitamin B12 nguyên nhân do cơ thể không có khả năng hấp thụ vitamin B12 cần thiết để tạo ra đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

Khái niệm “thiếu máu ác tính” là từ dùng trước đây, khi quá trình sinh bệnh học vẫn chưa được hiểu rõ. Ngày nay, bệnh lý này thường được định danh với tên gọi thiếu máu Biermer.

Thiếu máu ác tính: Triệu chứng khó nhận biết nhưng để biến chứng thì rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Thiếu máu ác tính là một căn bệnh trong đó các tế bào hồng cầu được hình thành một cách bất thường do thiếu vitamin B12.

Vì sao thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu ác tính?

Vitamin B12 hay cobalamin đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các tế bào hồng cầu. Nó được tìm thấy với số lượng đáng kể trong gan, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại đậu. Trong quá trình tiêu hóa thực phẩm có chứa vitamin B12, sinh tố này sẽ được gắn vào một chất gọi là yếu tố nội tại, được tạo ra bởi các tế bào thành lót trên niêm mạc dạ dày. Sau đó, phức hợp yếu tố nội tại và vitamin B12 sẽ đi vào ruột, nơi loại vitamin này sẽ được hấp thụ vào máu. Chính vì thế, vitamin B12 chỉ có thể được hấp thụ khi nó được gắn với yếu tố nội tại.

Trong bệnh thiếu máu ác tính hay thiếu máu Biermer, các tế bào thành của dạ dày ngừng sản xuất yếu tố nội tại. Khi đó, ruột hoàn toàn không thể hấp thụ được vitamin B12. Vì vậy, loại vitamin sẽ bị đào thải đi ra khỏi cơ thể dưới dạng chất thải. Mặc dù cơ thể có một lượng vitamin B12 dự trữ đáng kể nhưng lượng này cuối cùng cũng sẽ được sử dụng hết. Lúc này, các triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính sẽ bộc phát ra ngoài.

Triệu chứng của thiếu máu ác tính

Sự tiến triển của bệnh thiếu máu ác tính thường chậm. Có thể khó nhận ra các triệu chứng vì cơ thể có thể đã quen với việc cảm thấy không khỏe.

Các triệu chứng thường gặp gồm:

- Mệt mỏi.

- Sức khỏe yếu.

- Đau đầu.

- Đau tức ngực.

- Sụt cân.

- Da nhợt nhạt.

Trong những trường hợp thiếu vitamin B12 nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, kể cả những trường hợp do thiếu máu ác tính có thể gặp phải các triệu chứng thần kinh, như:

- Dáng đi không vững.

- Bệnh thần kinh ngoại biên, như tê ở cánh tay và chân.

- Suy nhược cơ bắp.

- Trầm cảm.

- Mất trí nhớ.

- Sa sút trí tuệ.

Các triệu chứng khác của tình trạng thiếu hụt vitamin B12, bao gồm do bệnh thiếu máu ác tính là:

- Buồn nôn và nôn ói.

- Đãng trí.

- Táo bón.

- Ăn mất ngon.

- Ợ nóng.

Thiếu máu ác tính: Triệu chứng khó nhận biết nhưng để biến chứng thì rất nguy hiểm - Ảnh 4.

Đau đầu, mệt mỏi là triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh thiếu máu ác tính?

Có ba nguyên nhân chính gây thiếu máu ác tính, bao gồm:

Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra RBCs, do đó cơ thể cần lượng vitamin B12 đầy đủ. Vitamin B12 có trong các bữa ăn hàng ngày như thịt, gia cầm, sò, trứng…

Thiếu IF: IF là một loại protein cho phép cơ thể hấp thụ vitamin B12, được tạo ra bởi các tế bào trong dạ dày. Sau khi được tiêu thụ, vitamin B12 sẽ di chuyển đến dạ dày và liên kết với IF. Hai loại này sau đó được hấp thu vào phần cuối cùng của ruột non. Nếu các tế bào này bị phá hủy do sự tấn công của hệ thống miễn dịch, cơ thể không thể hấp thụ vitamin B12.

Chứng đại hồng cầu: Nếu không có đủ vitamin B12, cơ thể sẽ tạo ra những tế bào hồng cầu lớn bất thường gọi là các tế bào đa bào. Bệnh thiếu máu ác tính là một loại thiếu máu đa bào, đôi khi được gọi là thiếu máu hồng cầu khổng lồ do kích thước lớn bất thường của hồng cầu.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu ác tính

 Có tiền sử gia đình mắc bệnh.

- Là người gốc Bắc Âu hoặc Scandinavi.

- Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc các tình trạng tự miễn khác.

- Đã cắt bỏ một phần dạ dày.

- 60 tuổi trở lên.

- Yếu tố nguy cơ mắc bệnh thiếu máu ác tính cũng tăng dần theo tuổi.

Thiếu máu ác tính có điều trị được không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều trị thiếu máu ác tính Biermer có nguyên tắc cơ bản là bổ sung vitamin B12 qua đường tiêm suốt đời. Việc tiêm vitamin B12 trực tiếp vào máu thì không còn cần phải có yếu tố nội tại. Lúc đầu, người bệnh có thể cần phải tiêm vài lần một tuần để tích lũy đủ lượng vitamin cần thiết. Sau đó, các mũi tiêm có thể được giãn cách tiêm hàng tháng.

Các chất khác cũng cần thiết để sản xuất tế bào máu cũng có thể cần được bổ sung thêm như sắt và vitamin C.

Điều trị bệnh thiếu máu ác tính là một quá trình gồm hai phần. Bác sĩ sẽ điều trị bất kỳ tình trạng thiếu hụt vitamin B12 nào hiện có.

Điều trị bệnh thiếu máu ác tính thường bao gồm:

- Các mũi tiêm vitamin B12 được theo dõi chặt chẽ theo thời gian.

- Theo dõi nồng độ vitamin B12 trong máu trong quá trình điều trị.

- Điều chỉnh liều vitamin B12 cho phù hợp.

Thiếu máu ác tính: Triệu chứng khó nhận biết nhưng để biến chứng thì rất nguy hiểm - Ảnh 6.

Phòng ngừa thiếu máu ác tính bằng các thực phẩm giàu vitamin B12.

Phòng ngừa thiếu máu ác tính

Có thể kiểm soát bệnh thiếu máu ác tính nếu ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B12, vì như vậy có thể giúp ngăn ngừa thiếu hụt vitamin B12. Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin B12 tốt bao gồm:

- Các loại ngũ cốc ăn sáng bổ sung vitamin B12.

- Các loại thịt như thịt bò, gan, gia cầm và cá.

- Trứng và các sản phẩm từ sữa (như sữa, sữa chua và phô mai).

- Thực phẩm bổ sung vitamin B12, như đồ uống có nguồn gốc từ đậu nành và bánh mì kẹp thịt chay.

Theo suckhoedoisong.vn