Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng không đủ sắt trong cơ thể. Nếu không có đủ sắt trong máu, cơ thể không thể sản xuất đủ lượng chất trong tế bào hồng cầu cần thiết giúp chúng vận chuyển oxy (hemoglobin).

Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ

Ở mỗi độ tuổi cùng với sự phát triển thể chất, trẻ em sẽ cần lượng máu tương ứng đủ nuôi dưỡng các tế bào hiện tại và hình thành tế bào mới. Trong đó, đối tượng trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi được Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, huyết sắc tố cần đạt trên 110g/l. Nếu huyết sắc tố thấp hơn ngưỡng này thì trẻ đang bị thiếu máu.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ sinh non, thiếu cân lúc sinh và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt. 

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: Trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thiểu toan dạ dày, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột.

Khi trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ khiến cho hệ miễn dịch của trẻ yếu (dễ mắc các bệnh về đường ruột); hoạt động thể chất, trí tuệ kém; mất ngủ, kém tập trung, dễ bị kích thích.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu là mệt mỏi. Các dấu hiệu khác có thể gồm xanh xao, khó thở và nhịp tim không đều. Ít phổ biến hơn, những trẻ bị ảnh hưởng có thể bị đau đầu, đau cơ và rụng tóc. Một số trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, khó nuốt và loét miệng.

Thiếu máu do thiếu sắt có tác hại như thế nào?- Ảnh 2.

Thiếu máu do thiếu sắt là do tình trạng không đủ sắt trong cơ thể.

Thiếu máu do thiếu sắt đối với phụ nữ

Nhu cầu về sắt mỗi ngày ở bé gái là 1,5 – 3mg. Khi có kinh, người phụ nữ cần khoảng 1,4mg sắt. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ mất khoảng 0,5mg sắt mỗi ngày và ở 10% phụ nữ con số này tăng lên đến 2mg.

Trong giai đoạn mang thai nhu cầu về sắt của người phụ nữ tăng lên đáng kể. Trong hai tam cá nguyệt sau của thai kỳ, người phụ nữ cần đến 5 - 6 mg sắt mỗi ngày để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của bào thai. Lượng sắt cung cấp từ người mẹ trong quá trình mang thai cần thiết để tạo nên nguồn sắt dự trữ trong đứa trẻ cho đến 6 tháng tuổi.

Ở phụ nữ mang thai, thiếu máu do thiếu sắt làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đài bể thận, tiền sản giật, gia tăng gấp 3 lần tỷ lệ sinh non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai và biến chứng hậu sản. Đứa trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân, nghiêm trọng hơn là bất thường trong phát triển nhân cách, thể lực và trí thông minh.

Ở phụ nữ mang thai và cho con bú: Phụ nữ mang thai bị thiếu máu dễ sảy thai, sinh non; người mẹ dễ bị tăng huyết áp và tai biến sản khoa khi sinh. Phụ nữ cho con bú thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ khả năng chăm con tốt; đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng.

Thiếu máu do thiếu sắt có tác hại như thế nào?- Ảnh 3.

Thiếu máu thường dẫn đến suy nhược và mệt mỏi, những triệu chứng này có thể góp phần làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Ảnh minh hoạ.

Thiếu máu do thiếu sắt ở người cao tuổi

Người lớn tuổi, người già hệ miễn dịch suy giảm, khả năng hấp thụ kém thường là đối tượng dễ mắc các căn bệnh nguy hiểm về tim mạch, não bộ, tiêu hóa… Những người trên 65 tuổi bị thiếu máu có thể liên quan đến chế độ ăn uống hoặc các bệnh lý nền. Bệnh lý nền là một yếu tố nguy cơ gây thiếu máu và hầu hết những người trên 65 tuổi đều có ít nhất một bệnh. Đặc biệt, tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở người già ngày càng trở nên phổ biến và làm nặng thêm căn bệnh mất trí nhớ. 

Ngoài ra, ở người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim mạch thiếu máu làm nặng thêm tình trạng của bệnh tim mạch trước đó, do tim phải co bóp nhiều hơn để bù trừ cho sự thiếu oxy.

Bên cạnh đó, thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng có thể khiến cho tim đập nhanh, da bị nhăn nheo, móng tay mỏng đi và tóc dễ gãy rụng...

Thiếu máu thường dẫn đến suy nhược và mệt mỏi, những triệu chứng này có thể góp phần làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Những người bị thiếu máu có thể trở nên ít hoạt động thể chất hơn và hậu quả làm cho bệnh lý nền trở nên tồi tệ hơn, có thể dẫn đến mất cơ bắp, giảm khả năng giữ thăng bằng và sức mạnh.

Thiếu máu có các triệu chứng không đặc hiệu và mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với cảm giác suy sụp hay già đi. Vì vậy, nên đi khám để được tư vấn. Các triệu chứng thiếu máu có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, cáu gắt, chân tay lạnh, người xanh xao, nhịp tim nhanh, hụt hơi, đau ngực, nhức đầu…

Tóm lại: Để chẩn đoán sớm tình trạng thiếu máu thiếu sắt, ngoài việc đưa ra các triệu chứng lâm sàng như trên, bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm xác định số lượng tế bào máu, định lượng hàm lượng sắt trong máu…

Để phòng thiếu máu do thiếu sắt cần lưu ý một số vấn đề như dinh dưỡng đầy đủ hợp lý là yếu tố quan trọng trong điều trị và ngừa bệnh. Thức ăn có nhiều chất sắt như thịt, cá, trứng, khoai tây, đậu, củ dền. Sắt có trong thực vật khó hấp thu hơn vì không phải là dạng sắt cơ thể thường sử dụng. Việc uống trà và sữa có thể làm giảm hấp thu sắt.

Việc cung cấp chất sắt là quan trọng ở người già, phụ nữ, trẻ em nhưng cũng không nên cung cấp quá dư thừa, vì sẽ gây ra bệnh dư chất sắt cũng rất nguy hiểm.

Theo suckhoedoisong.vn