Mỡ nội tạng là phần mỡ thừa tích lũy quanh bụng và bao bọc các cơ quan nội tạng. Mỡ nội tạng nguy hiểm vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa nghiêm trọng như huyết áp cao, béo phì, cholesterol cao và kháng insulin. Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2, theo trang tin Daily Mail (Anh).

Thiếu ngủ làm tăng mỡ bụng như thế nào ? - Ảnh 1.

Thiếu ngủ sẽ làm tăng lượng mỡ nội tạng trong cơ thể

SHUTTERSTOCK

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 5.000 người trưởng thành. Họ được chụp cắt lớp để xác định tỷ lệ mỡ. Các dữ liệu này được thu thập 2 lần, lần đầu và lần cuối cách nhau khoảng 2 năm.

Thời lượng ngủ tối ưu là từ 7 đến 8 tiếng/đêm. Khi nghiên cứu kết thúc, các nhà khoa học phát hiện nếu thời lượng ngủ trung bình mỗi ngày giảm đi 1 tiếng so với mức tối ưu thì lượng mỡ nội tạng sẽ tăng thêm 12 gram.

Giải thích về hiện tượng này, các tác giả tin rằng ngủ ít đã ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, khiến chúng ta ăn nhiều hơn và làm tăng lượng mỡ nội tạng. Thiếu ngủ còn dẫn đến kháng insulin. Tình trạng này cũng làm tăng tích tụ mỡ nội tạng.

Không những vậy, thiếu ngủ là nguyên nhân làm giảm hoóc môn kiểm soát cảm giác thèm ăn leptin, đồng thời tăng hoóc môn kích thích thèm ăn ghrelin. Hệ quả cuối cùng là khiến thèm ăn nhiều hơn và tăng cân.

Các chuyên gia khuyến cáo một người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm. Tuy nhiên, vì một số lý do, nhiều người đang bị rối loạn giấc ngủ, rơi vào tình trạng thiếu ngủ mạn tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, từ chứng mất ngủ mạn tính, rối loạn chu kỳ thức - ngủ khiến đồng hồ sinh học bên trong bị loạn nhịp, mộng du hoặc ngưng thở khi ngủ, theo Daily Mail.

Theo Thanh niên