Có một số lý do khiến nhiều người thức khuya, từ khó ngủ, giải quyết nốt công việc đến "cày phim". Cần thay đổi và điều chỉnh lại lối sống nếu bạn là một "cú đêm" thường xuyên đi ngủ muộn và thức dậy muộn vì thường xuyên thức khuya làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
1. Thường xuyên thức khuya dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2
Theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2, đặc biệt ở phụ nữ trung niên.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 63.676 nữ y tá trong độ tuổi từ 45-62. Khi nghiên cứu bắt đầu vào năm 2009, không ai trong số những người tham gia có tiền sử ung thư, bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường. Các y tá được theo dõi cho đến năm 2017, trong thời gian đó họ trả lời bảng câu hỏi và theo dõi một số hành vi nhất định, chẳng hạn như uống rượu, chất lượng chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, hút thuốc, chỉ số khối cơ thể (BMI) và thói quen ngủ. Kết quả, có 1.925 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường type 2 được ghi nhận trong số những người tham gia.
Thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ quá ít sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
Các nhà nghiên cứu kết luận, những người hay thức khuya thường có xu hướng có lối sống không lành mạnh cao hơn 54% so với những người ngủ sớm hơn hoặc có múi giờ sinh hoạt ổn định hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng những người thức đêm phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn. Mặc dù các thói quen sinh hoạt khác cũng ảnh hưởng đến kết quả nhưng chúng không có đủ tác động để làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Bản tóm tắt nghiên cứu lưu ý: "Việc tính toán chỉ số BMI, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống và các yếu tố lối sống có thể điều chỉnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nhưng vấn đề giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng".
Mặc dù nghiên cứu có một số hạn chế nhưng cũng cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa bệnh đái tháo đường type 2 và thói quen ngủ. Phát hiện này phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đó về mối quan hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe.
2. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường
Nhìn chung, giấc ngủ giúp duy trì lượng đường trong máu và giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, vì vậy nếu bạn không ngủ đủ giấc mà cơ thể cần, cơ thể sẽ khó hoạt động ngay cả khi bạn làm mọi việc khác đúng cách (ví dụ: ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn).
Theo nhà thần kinh học Matthew Walker thuộc Đại học California Berkeley (Hoa Kỳ), người thiếu ngủ (mỗi ngày ngủ không đủ 7-8 giờ) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất cao. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng, giấc ngủ kém có thể làm mất đi các hormone trao đổi chất quan trọng của cơ thể, điều này không giúp giảm lượng đường trong máu của bạn.
Tiến sĩ Courtney D'Angelo, tác giả nghiên cứu cho biết: Thiếu ngủ sẽ làm xáo trộn sự cân bằng của các hormone, ảnh hưởng đến sự sản xuất insulin trong cơ thể, làm tăng nguy cơ kháng insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Những người thường xuyên thức khuya và dậy muộn có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn.
Kháng insulin là tình trạng tế bào cơ thể không đáp ứng bình thường với insulin. Một nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho thấy, những người trẻ tuổi ngủ ít hơn 6,5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường do có tỷ lệ kháng insulin so với những người ngủ hơn 7,5 giờ mỗi ngày.
Thiếu ngủ cũng làm giảm quá trình chuyển hóa glucose và ảnh hưởng tới sự thèm ăn, dễ dẫn đến tăng cân, béo phì. Thừa cân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, hãy thực hiện chế độ ăn lành mạnh bằng cách giảm lượng carbs tiêu thụ, bỏ thuốc lá và duy trì hoạt động thể chất trong ngày. Rèn luyện thói quen đi ngủ sớm hơn một chút, duy trì thói quen làm việc, vận động và nghỉ ngơi hợp lý cũng góp phần cho chất lượng giấc ngủ của bạn.
Theo suckhoedoisong.vn