leftcenterrightdel
 

Bệnh tim mạch là những tình trạng liên quan tới vấn đề chức năng tim và mạch máu có thể kể đến các bệnh tim mạch phổ biến như: Bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, chứng rối loạn nhịp tim hay nghiêm trọng hơn là suy tim. Mỗi một tình trạng bệnh khác nhau sẽ có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung, bệnh tim mạch có thể gây ra các cơn đau tim, đau tức ngực, khó thở... theo nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Trong đó, cơn đau nhói ở ngực thỉnh thoảng xuất hiện rồi biến mất có thể cảnh báo nhiều tình trạng sức khỏe, không chỉ là bệnh tim mạch.

1. Thỉnh thoảng bị đau nhói ở ngực là bệnh gì?

Cơn đau nhói ở ngực được mô tả là xuất hiện đột ngột, kéo dài chưa tới vài giây rồi biến mất, cảm giác như bị đâm hoặc bị điện giật. Cơn đau có thể lan ra ngoài vùng ngực. Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân gây ra cơn đau nhói ở ngực

- Trào ngược dạ dày - thực quản

Trào ngược axit dạ dày - thực quản được mô tả là tình trạng xảy ra khi axit dạ dày (dịch tiêu hóa của dạ dày) trào ngược lên từ dạ dày tới thực quản dẫn tới cơn đau nóng rát đột ngột ở ngực và gây kích ứng và làm viêm niêm mạc thực quản.

Triệu chứng của tình trạng trào ngược axit dạ dày - thực quản có thể kể đến như: Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn mửa, cảm giác nóng rát vùng ngực và có thể kèm theo tức ngực, khó nuốt, cảm giác vướng nghẹn ở họng.

leftcenterrightdel
 Thỉnh thoảng bị đau nhói ở ngực là bệnh gì? (Ảnh: Internet)

- Hội chứng bóp nghẹt trước tim (Precordial catch syndrome)

Hội chứng bóp nghẹt trước tim (PCS) là một tình trạng sức khỏe không nghiêm trọng với đặc trưng là các cơn đau nhói ở ngực kéo dài khoảng 30 giây và ít hơn một vài phút. Cơn đau thường trở nên tệ hơn khi người bệnh cố gắng hít thở sâu và thường khu trú trong một khu vực hẹp.

Cơn đau do PCS khác với đau tim và cũng không có các dấu hiệu báo trước như toát mồ hôi lạnh hoặc nôn mửa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là do chèn ép dây thần kinh ở ngực hoặc co thắt cơ.

- Căng cơ hoặc đau xương ngực

Các vấn đề về cơ hoặc xương có thể gây ra cơn đau nhói ở ngực dữ dội. Điều này có thể xảy ra do các chấn thương do tập luyện, mang vác vật nặng, bị ngã, tai nạn, bong gân gây tổn thương vùng cơ và xương ngực.

- Các vấn đề về phổi

Một số vấn đề về phổi và hô hấp có thể gây ra cơn đau nhói ở ngực đột ngột và dữ dội, trong đó có những bệnh phổi nghiêm trọng bao gồm: các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm màng phổi, thuyên tắc phổi hay hen suyễn, chấn thương dập phổi, tăng áp phổi...

Hãy thăm khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện cơn đau nhói ở ngực và cơn đau nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc khi ho.

- Cơn hoảng loạn

Một cơn hoảng loạn có thể gây ra nhiều triệu chứng trong đó có đau nhói ở ngực đột ngột và dữ dội. Cơn đau có thể xảy ra ở ngực trái gần giống với cơn đau do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, đau ngực do hoảng loạn thường nhẹ hơn, không có cảm giác tì đè nặng hay áp lực.

Các dấu hiệu khác của cơn hoảng loạn bao gồm: Run rẩy, khó thở, bốc hỏa, ớn lạnh, thở gấp, khó nuốt, buồn nôn, đau bụng, đổ mồ hôi, ngứa ran ở ngực, cảm giác như cái chết sắp đến.

leftcenterrightdel
 Một cơn hoảng loạn có thể gây ra nhiều triệu chứng trong đó có đau nhói ở ngực đột ngột (Ảnh: Internet)

- Các tình trạng tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim

Hầu hết mọi người thường nghĩ tới một cơn đau tim khi cơn đau nhói ở ngực xảy ra. Đau tim thường gây cảm giác đau âm ỉ hoặc cảm giác khó chịu như bị đè nặng hoặc căng tức ngực hay đau rát vùng ngực. Cơn đau thường kéo dài hơn vài phút và cũng có thể đến đột ngột rồi biến mất.

Ngoài ra, cơn đau ngực do đau tim thường có tính chất lan tỏa - điều này có nghĩa là khó xác định được chính xác vị trí cơn đau do nó có thể lan rộng từ giữa ngực hoặc toàn bộ vùng ngực. Do vậy mà bất cứ khi nào các triệu chứng của cơn đau tim xuất hiện, hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế vì đây là một trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Các triệu chứng cảnh báo cơn đau tim bao gồm:

+ Đau ngực như bị đè nặng, ép ở ngực hoặc nóng rát ngực (dễ bị nhầm lẫn với tình trạng ợ nóng).

+ Đau cánh tay hoặc đau lưng, cảm thấy tay trở nên nặng hơn hoặc không di chuyển được.

+ Đau ở cổ hoặc đau hàm dưới với cảm giác căng cứng.

+ Mệt mỏi bất thường giống như bị kiệt sức nhưng lại khó để ngủ khi nghỉ ngơi.

+ Ngất xỉu, buồn nôn.

+ Vã mồ hôi và khó thở.

+ Ho và thở khò khè do tim không bơm đủ máu và oxy tới các cơ quan trong cơ thể.

+ Phù nề các chi, mắt cá chân.

+ Khó điều khiển tay chân ngay cả khi thực hiện các hoạt động đơn giản hàng ngày.

+ Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.

leftcenterrightdel
Hầu hết mọi người thường nghĩ tới một cơn đau tim khi cơn đau nhói ở ngực xảy ra (Ảnh: Internet) 

Ngoài các tình trạng phổ biến gây đau nhói ở ngực kể trên thì một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này bao gồm các rối loạn tiêu hóa và nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như bệnh zona thần kinh, co thắt cơ ngực, viêm túi mật, sỏi mật, viêm tụy, rối loạn nuốt.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Trước tiên, có thể thấy một trong những trường hợp đau nhói ở ngực cần chăm sóc y tế khẩn cấp chính là do cơn đau tim. Do vậy mà cần phân biệt được đâu là đau ngực do đau tim và đau là đau ngực do nguyên nhân khác.

Với đau ngực do đau tim, cơn đau thường như bị ép, tì nặng ngực và lan tỏa với thời gian đau kéo dài vài phút; việc vận động có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, đau ngực do tình trạng khác có thể là cảm giác đau nhói hoặc nóng rát nhưng có thể xác định gần như rõ ràng vị trí của cơn đau với thời gian xảy ra cơn đau ngắn - chỉ khoảng vài giây; việc vận động có thể giúp cơn đau cải thiện.

leftcenterrightdel
Tùy từng nguyên nhân gây đau nhói ở ngực khác nhau và biện pháp điều trị cũng khác nhau (Ảnh: Internet) 

Nhưng nhìn chung, bất cứ khi nào cơn đau nhói ở ngực xuất hiện mang theo cảm giác đau đớn dữ dội và đột ngột, bạn cần nhanh chóng đặt lịch thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau là gì và được lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang ngực hoặc xét nghiệm máu.

Việc phớt lờ các triệu chứng này có thể khiến bỏ qua thời điểm vàng trong việc điều trị và khiến việc phục hồi hay chữa bệnh trở nên khó khăn hơn.

Châu Anh/Nguồn: Healthline