Thịt cóc, ruốc cóc vẫn thường được nhiều người truyền tai nhau về tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, chống suy dinh dưỡng, chống còi xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ... Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng thịt cóc không hiệu quả đến mức như nhiều bố mẹ nghĩ.

Thậm chí vừa qua, bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận trường hợp ba mẹ con bị ngộ độc thịt cóc và trứng cóc. Người mẹ cho biết vì nghe rằng thịt cóc giàu dinh dưỡng và chữa còi xương nên đã mua về nấu cho cả nhà tẩm bổ. Rất may cả ba đã được đưa đến bệnh viện kịp thời và tình trạng ngộ độc chưa nặng.

Empty

3 mẹ con ở Phú Thọ nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc (Ảnh: BSCC)

Bác sỹ Hà Thị Bích Vân - Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, thịt cóc có hàm lượng dinh dưỡng nhất định. Tuy nhiên, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa nọc độc (bufotoxin). Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong trong thời gian rất ngắn.

Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khoảng 1 - 2 giờ sau khi ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy.

Sau đó, nạn nhân có thêm các triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác.

"Thịt và mỡ của cóc tuy không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến thì vẫn có thể bị chất độc từ các bộ phận khác dính vào. Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Vân nói.

Đồng quan điểm, BS Vi Thị Tươi, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cho hay, thịt cóc không chữa được vấn đề còi xương của trẻ mà còn có thể gây ngộ độc nếu quá trình chế biến không đảm bảo.

“Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh của cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là chất bufotoxin. Chất độc này được hấp thụ qua đường tiêu hóa, sau khi ăn vào sẽ xuất hiện các triệu chứng chướng bụng kèm theo tiêu chảy, nôn mửa dữ dội.

Sau đó có thể xuất hiện thêm triệu chứng chóng mặt, bị ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể ngưng thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim, thậm chí tử vong trong thời gian rất ngắn”, bác sĩ Tươi cho biết.

Do đó, bác sĩ Tươi khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cho bé ăn thịt cóc để chữa bệnh còi xương, vì vấn đề còi xương suy dinh dưỡng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử như biếng ăn, mắc bệnh lý về tiêu hóa kém hấp thu, thiếu vitamin D, thiếu canxi, hoặc một chế độ ăn không cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng 1 thời gian dài.

Empty

Ăn thịt cóc không chữa được bệnh còi xương ở trẻ (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Tươi, với những bé bị còi xương suy dinh dưỡng, chúng ta nên cung cấp đủ năng lượng cho bé. Nếu năng lượng đồ ăn thức uống trong ngày bé ăn không được quá nhiều, thì có thể lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng y học có năng lượng cao (theo chỉ định của bác sĩ), để bổ sung năng lượng thiếu hụt cho bé.

Ngoài ra cung cấp đủ các chất béo, chất đạm, vitamin… và cần cung cấp sữa và chế phẩm từ sữa tùy vào độ tuổi mà có lượng tiêu thụ khác nhau.

Bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyến khích các bé cần vui chơi, năng động ở không gian ngoài trời, tức tiếp xúc với ánh mặt trời. Nếu các bé không được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thì phụ huynh cũng cần bổ sung vitamin D đầy đủ.

“Quan trọng, chúng ta cần phải tạo thói quen ăn uống lành mạnh, quy củ, môi trường sinh hoạt vui vẻ, năng động. Một lưu ý khác mà phụ huynh không thể bỏ qua là kiểm soát các bệnh lý liên quan. Ví dụ như các bệnh viêm phổi, rối loạn tiêu hóa thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc trị không dứt điểm hoặc không tìm được nguyên nhân gây bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của bé.

Chính vì thế, nếu loại bỏ được vấn đề bệnh lý nền sẽ tăng được thể trạng của bé, và không cần dùng tới các mẹo dân gian như dùng thịt cóc để chữa bệnh còi xương cho bé", bác sĩ Tươi khuyến cáo.

Theo giadinhonline.vn