Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh xương khớp mạn tính diễn biến chậm. Bệnh đặc trưng bởi các tổn thương thoái hóa ở sụn khớp, đĩa đệm cột sống cổ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khá nhiều. Vì vậy, nhiều người thắc mắc thoái hóa đốt sống cổ có chữa được khỏi không?

Vì sao cột sống cổ dễ bị thoái hóa?

Cột sống bị thoái hóa do phải chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn và xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp.

Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?- Ảnh 1.

Nhân viên văn phòng dễ mắc thoái hoá đốt sống cổ.

Quá trình này lâu ngày dẫn đến bào mòn bề mặt khớp và sụn, hình thành các xương mới dọc theo xương hiện tại (hay còn gọi là gai xương).

Các triệu chứng thường gặp ở những người thoái hóa cột sống cổ là đau cổ vai gáy dai dẳng không đỡ, các khớp vùng cột sống kêu lục cục khi thực hiện động tác nhanh hoặc đột ngột, nặng hơn có thể xuất hiện tình trạng gai xương chèn ép thần kinh gây tê bì tay, cơn đau lan lên vùng gáy.

Bệnh thoái hóa cột sống cổ nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, gù vẹo cổ, chèn ép dây thần kinh, gây ảnh hưởng tuần hoàn dẫn tới đau đầu.

Nguy hiểm nhất là sẽ khiến người bệnh yếu và tê ở các vị trí từ cổ trở xuống. Vì khi gai xương và ống xương sống bị thu hẹp thì tủy sống nhanh chóng bị chèn ép. Điều này khiến người bệnh bị yếu liệt các vị trí dưới cổ, kèm theo cơn đau nhức dữ dội.

Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?

Với bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa cột sống cổ, khả năng hồi phục hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm, xử lý nhanh và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ thì bệnh có thể được chữa khỏi nhanh chóng. 

Ngược lại, nếu chủ quan, xem nhẹ hoặc tự ý áp dụng các biện pháp chưa được chứng minh thì nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe là rất cao.

Cần phối hợp phương pháp nội khoa và phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát. Sử thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân như: Paracetamol, nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp; Thuốc giãn cơ; Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm; Các thuốc khác khi bệnh nhân có biểu hiện đau kiểu rễ, có thể sử dụng phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh …

Nếu thoái hóa cột sống cổ ở mức độ nhẹ thì người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng. Khi nằm ngủ nghỉ, cần kê gối thoải mái với độ cao vừa phải (không quá cao cũng không quá thấp), đồng thời thỉnh thoảng chuyển mình để máu được lưu thông tốt.

Vật lý trị liệu là phương pháp không dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị các vấn đề liên quan đến cơ bắp, xương khớp. Chúng có thể bao gồm các bài tập sử dụng lực kéo để kéo căng nhẹ các khớp và cơ ở cổ. 

Việc thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu nên được hướng dẫn và giám sát bởi chuyên gia có kinh nghiệm. Biện pháp này có sử dụng các tác nhân vật lý như nhiệt độ, tia hồng ngoại, dòng điện, sóng âm, sóng điện từ… tác động lên vùng bệnh lý nhằm giảm đau, giãn cơ, tăng tuần hoàn tại chỗ, ngăn ngừa tái phát về sau.

Trong những trường hợp nghiêm trọng và không thể áp dụng phương pháp điều trị khác, phẫu thuật có thể là lựa chọn cuối cùng. Quá trình phẫu thuật nhằm khắc phục và ổn định cột sống cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?- Ảnh 2.

Tập yoga giúp giảm đau phòng bệnh thoái hoá đốt sống cổ.

Tóm lại: Thoái hóa đốt sống cổ rất phổ biến vì nó là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Mặc dù vậy, để ngăn ngừa thoái hóa cột sống cổ và nguy cơ tái phát bệnh, cần thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc theo các nguyên tắc sau: 

- Chú ý phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, để giảm căng thẳng cho vùng cột sống cổ. Sau thời gian làm việc, nên xoa bóp và chăm sóc vùng vai gáy cổ.

- Những người thường xuyên làm việc văn phòng, ngồi trước máy tính nên đứng lên đi lại, vươn vai sau 1-2 giờ làm việc để thư giãn gân cốt. Trang thiết bị tại nơi làm việc nên phù hợp và cân đối. Điều chỉnh ghế để cho 2 cẳng tay song song với nền nhà, giữ tư thế lưng thẳng và 2 vai ngang bằng. 

Khi ngồi làm việc nên chú ý đặt màn hình cách mắt 50-66 cm và dưới tầm nhìn mắt khoảng 10-20 độ, tránh để màn hình quá cao hoặc quá thấp so với tầm mắt.

- Thường xuyên tập thể dục, vận động xương khớp bằng bài tập yoga, dưỡng sinh, bơi lội…

- Chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, ốc, sữa; các loại rau, trái cây chứa nhiều vi chất, đặc biệt vitamin nhóm B vào bữa ăn hằng ngày để giúp xương chắc khỏe, phòng tránh bệnh xương khớp. 

- Định kỳ kiểm tra sức khỏe với bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp phát hiện và can thiệp kịp thời đối với bất kỳ vấn đề về cột sống cổ.

Theo suckhoedoisong.vn