1. Nguyên nhân thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa của khớp theo độ tuổi (tình trạng sụn khớp – bộ phận có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp bắt đầu bị bào mòn, phá vỡ cấu trúc) . Có rất nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp như:
- Yếu tố tuổi tác. Độ tuổi có tỷ lệ thuận với quá trình thoái hóa khớp. Khi tuổi cao, quá trình thoái hóa khớp diễn ra càng nhiều và càng mạnh.
- Yếu tố gia đình. Bởi sự hư hỏng của các gene giúp quá trình hình thành sụn khớp, cơ thể sản xuất ra các sụn và khớp yếu khiến quá trình thoái hóa khớp diễn ra sớm hơn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa khớp, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.
- Chấn thương. Việc gặp các chấn thương trong sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… có thể gây hủy hoại sụn khớp trực tiếp. Nếu một phần của khớp đã bị tổn thương như sụn, dây chằng… sẽ kéo theo sự hủy hoại của toàn bộ khớp giống như hiệu ứng domino.
- Thừa cân và béo phì. Những người có thể trạng thừa cân, béo phì làm tăng tải trọng lên các khớp gây ra việc khớp bị hư hỏng sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao gấp 4 lần người bình thường. Và nguy cơ thoái hóa khớp ở nam giới béo phì cao gấp 5 lần so với người bình thường.
- Sử dụng khớp nhiều, tần suất cao. Với những đối tượng làm việc trong môi trường phải bốc vác, mang vác vật nặng ở tư thế xấu, sử dụng máy công nghiệp nặng, thợ thủ công… có nguy cơ thoái hóa khớp cao.
- Người mắc các bệnh cơ xương khớp khác như: loãng xương, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp… Các bệnh lý này là yếu tố gây hư hỏng các khớp ở mức độ khác nhau và dẫn tới hậu quả khớp bị yếu, thoái hóa sớm.
2. Dấu hiệu thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp có biểu hiện gì? Những người bị thoái hóa khớp thường có 3 biểu hiện chính thường gặp, bao gồm:
- Cứng khớp, đau khớp. Các cơn đau khớp có tính chất cơ học, đau khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
Có hơn 80% các bệnh nhân thoái hóa khớp gối gặp tình trạng đau mạn tính (kéo dài trên 3 tháng trong một năm). Và khoảng 90% bệnh nhân đau khớp là do các nguyên nhân cơ học, 10% có biến chứng đau theo thần kinh (cảm giác đau khó chịu, bỏng rát, châm chích mức độ nặng).
Khi tình trạng cứng khớp ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng. Sau khi ngủ dậy, bệnh nhân có cảm giác khó vận động các khớp bị thoái hóa như ở tay hoặc chân. Nếu xoa bóp hoặc vận động 15-30 phút, các khớp sẽ mềm và hoạt động trở lại bình thường.
- Xuất hiện tiếng động khi di chuyển. Các bệnh nhân thoái hóa khớp sẽ có tình trạng phát ra tiếng động khi khớp di chuyển: lạo xạo, lục khục. Khi bệnh nhân đứng lên, ngồi xuống hoặc vận động đều có tiếng động phát ra như tiếng rang bỏng ngô, tiếng lục lạc ở cổ bò.
- Những bệnh nhân thoái hóa khớp giai đoạn muộn có thể xuất hiện tình trạng sưng khớp tại các vị trí thoái hóa. Tình trạng này được gọi là thoái hóa khớp có phản ứng viêm..
Ở giai đoạn muộn hơn nữa, có thể xảy ra tình trạng cơ của vùng cánh khớp bị teo kèm theo những biến dạng như lỏng lẻo khớp hoặc trật khớp. Khi bệnh nhân đã có biến dạng khớp nặng là bệnh đã ở giai đoạn muộn.
3. Thoái hóa khớp có lây không?
Thoái hóa khớp là bệnh không lây nhiễm. Tức là một người mắc căn bệnh này sẽ không thể lây truyền bệnh cho người khác.
4. Phòng bệnh thoái hóa khớp
Có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp như người cao tuổi, người thừa cân béo phì, người có người thân trong gia đình mắc thoái hóa khớp, người vận động thể thao cường độ cao…. Để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý. Những người thừa cân, béo phì cần giảm cân và những người có cân nặng bình thường cần kiểm soát cân nặng để phòng ngừa thoái hóa khớp. Khi trọng lượng cơ thể tăng đồng nghĩa với việc tăng áp lực lên các khớp như khớp gối, khớp háng, khớp bàn chân và vùng lưng.
- Có chế độ ăn khoa học và hợp lý. Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất tốt cho sự phát triển của cơ, xương khớp, tăng cường các loại hoa quả, trái cây nhiều vitamin C, bổ sung vitamin D… thì cần hạn chế các món ăn làm tăng lượng mỡ máu. Đồng thời giảm bớt các loại thực phẩm có chứa nhiều purin và fructozo.
- Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày nhằm tăng sức mạnh cho cơ bắp và khớp. Khi cơ bắp khỏe sẽ làm giảm bớt áp lực đè lên xương khớp trong lúc vận động. Nhưng cần lưu ý không chọn các môn thể thao vận động với cường độ quá mạnh, nên chọn các môn vừa sức với cơ thể. Nếu trong lúc tập luyện phải gắng sức hoặc nóng vội có thể gây ra chấn thương hay gây ảnh hưởng tới các lớp sụn mới còn non yếu.
- Cần hạn chế mang vác vật nặng, nếu làm việc trong môi trường phải mang vác vật nặng cần đeo đồ bảo hộ. Tránh ngồi sai tư thế.
5. Cách điều trị thoái hóa khớp
Nguyên tắc trong điều trị thoái hóa khớp là kiểm soát cơn đau và sưng khớp; làm giảm tàn phế; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau dựa trên nhiều yếu tố như: tuổi tác, nghề nghiệp, mức độ tổn thương, các bệnh nền kèm theo…
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp bao gồm: Điều trị không dùng thuốc, điều trị nội khoa dùng thuốc.
Điều trị thoái hóa khớp không dùng thuốc
Phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp. Việc điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Giảm cân (nếu thừa cân, béo phì)
- Điều chỉnh chế độ ăn
- Chế độ nghỉ ngơi
- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tập luyện.
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, nhiệt trị liệu (chườm nóng/lạnh/siêu âm liệu pháp), kích thích điện thần kinh qua da, y học cổ truyền (châm cứu, mát xa, dùng thảo dược…)
Điều trị nội khoa dùng thuốc
Hiện tại vẫn chưa có thuốc có thể làm ngừng sự tiến triển của tình trạng hủy khớp do thoái hóa. Các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp phổ biến như hỗ trợ giảm đau, kháng viêm qua đường uống, đường bôi, dán tại chỗ, hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ khớp.
Một số nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp bao gồm:
Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh
- Thuốc giảm đau đơn thuần
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc glucocorticoid
Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Hyaluronic Acid, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm
Một số thuốc khác: thuốc giãn cơ, Corticosteroid uống…
Với các trường hợp thoái hóa khớp nặng gây biến dạng khớp hay cứng khớp kèm viêm bao hoạt dịch… Các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương án điều trị dưới nội soi khớp, mổ thay khớp…
Theo suckhoedoiaong.vn