Cụ thể, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã khuyên để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, có 2 thời điểm không nên uống cà phê, theo đài India TV.
Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng văn hóa của trà và cà phê, ICMR vẫn cảnh báo không nên uống cà phê quá mức do nó có thể có những tác động tiềm ẩn đến sức khỏe, cả trà cũng vậy.
Các nhà nghiên cứu hàng đầu của Hội đồng Y khoa giải thích rằng cà phê và trà đều chứa caffeine, có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương và gây nghiện.
Cụ thể, hướng dẫn của ICRM nhấn mạnh hàm lượng caffeine có trong nhiều loại trà và cà phê. Ví dụ, 1 tách cà phê 150 ml có chứa từ 80 - 120 mg caffeine, trong khi 1 gói cà phê hòa tan chứa khoảng 50 - 65 mg.
Mặt khác, lượng caffeine trong trà dao động từ 30 - 65 mg mỗi tách. Và điều độ là chìa khóa, với lượng caffeine khuyến nghị hằng ngày giới hạn ở mức 300 mg.
Thời điểm nào không nên uống cà phê?
Một lưu ý đặc biệt đáng chú ý của ICMR là tránh uống cà phê, trà ít nhất 1 giờ trước và sau bữa ăn. Lý do là do hàm lượng tannin chứa trong những đồ uống này có tác dụng phụ là cản trở quá trình hấp thụ sắt trong cơ thể. Từ đó có thể dẫn đến thiếu sắt và thiếu máu, theo India TV.
Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể làm tăng huyết áp và các bất thường về tim, nên hướng dẫn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu thụ có ý thức.
Hướng dẫn còn nhấn mạnh uống trà không pha sữa có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và ung thư dạ dày.
ICMR cũng ủng hộ chế độ ăn uống cân bằng nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và hải sản. Đồng thời, hạn chế ăn chất béo, đường và muối.
Theo Thanh niên