Đặc biệt, ngồi lâu hơn 10,5 giờ mỗi ngày còn làm tăng nguy cơ suy tim và tử vong do bệnh tim mạch. Tuy nhiên, khoa học cũng đã tìm ra cách để cứu vãn tình thế. Các tác giả đã phát hiện những người cắt giảm thời gian ngồi bằng việc vận động như đi bộ từ trung bình đến mạnh mẽ trong khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm tác hại của việc ngồi nhiều, như giảm đáng kể nguy cơ rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
|
|
Cắt giảm thời gian ngồi chỉ 30 phút mỗi ngày để vận động có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch |
Bác sĩ Charles Eaton, Giám đốc Khoa Y học gia đình của Đại học Brown (Mỹ), cho biết cắt giảm thời gian ngồi chỉ 30 phút mỗi ngày để vận động có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cụ thể, vận động từ trung bình đến mạnh mẽ giúp giảm 15% nguy cơ suy tim và 10% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Thậm chí vận động nhẹ cũng giảm được 6% nguy cơ suy tim và 8% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, theo chuyên san News Medical.
Một phân tích tổng hợp, được công bố năm 2020 trên tạp chí nghiên cứu British Journal of Sports Medicine, bao gồm 9 nghiên cứu với 44.370 người tham gia từ 4 quốc gia, cũng đã tìm ra mức tập thể dục cần thiết để bù đắp tác hại của ngồi nhiều.
Tất cả những người tham gia đều được đeo máy theo dõi sức khỏe để đo mức độ hoạt động và thời gian ít vận động.
Kết quả cũng cho thấy đi bộ nhanh, đạp xe hoặc vận động từ trung bình đến mạnh mẽ trong 30 - 40 phút mỗi ngày giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người ngồi nhiều, theo chuyên trang khoa học Science Alert.
|
|
Ngồi lâu hơn 10,5 giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ suy tim và tử vong do bệnh tim mạch |
Vận động vừa phải đến mạnh mẽ là các bài tập làm tăng nhịp tim đáng kể và khiến bạn thở nhanh hơn, như đi bộ nhanh, làm vườn và đạp xe.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng ở những người năng động tham gia 30 - 40 phút các hoạt động như trên mỗi ngày, các rủi ro liên quan đến việc ngồi lâu đã giảm đáng kể. Nguy cơ tử vong của họ tương đương với những người có lối sống năng động hơn và ít thời gian ngồi hơn.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 150-300 phút vận động vừa phải hoặc 75-150 phút vận động mạnh mẽ mỗi tuần để giảm các rủi ro sức khỏe do ngồi nhiều.
Giáo sư - tiến sĩ Emmanuel Stamatakis, nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney (Úc), cho biết: Mọi hoạt động đều có giá trị và ở mức độ nào cũng tốt hơn là không. Nghĩa là ngay cả những nỗ lực nhỏ, như leo cầu thang thay vì đi thang máy, chơi với thú cưng hoặc làm việc nhà, cũng có thể tạo ra sự khác biệt, theo Science Alert.
Có thể chia nhỏ 30 phút vận động này thành nhiều lần trong ngày, với các hoạt động như:
- Đi bộ trong giờ nghỉ.
- Đi bộ lên cầu thang thay vì sử dụng thang máy.
- Chơi với trẻ em hoặc thú cưng.
- Tham gia yoga, khiêu vũ hoặc làm vườn.
- Đạp xe hoặc đi bộ với quãng đường ngắn.
- Làm việc nhà như hút bụi hoặc cắt cỏ.
Theo Thanh niên