leftcenterrightdel
Ngồi 6-8 tiếng/ngày làm tăng nguy cơ tương đối của bệnh tim và tử vong sớm khoảng 12–13%. (Ảnh minh họa) 

Những người làm việc ở văn phòng hẳn hiểu rất rõ cảm giác của việc ngồi hàng giờ liên tục mà không có thời gian nghỉ giải lao. Nếu đây là điều bạn trải qua mỗi ngày, bạn có thể bị đau và cứng khớp. Nghiên cứu cũng cho thấy ít vận động có thể góp phần gây ra các biến chứng sức khỏe khác.

Một báo cáo được công bố bởi JAMA Cardiology vào tháng 6/2022 đã tiết lộ việc ngồi quá lâu ảnh hưởng đến những người từ 21 quốc gia khác nhau như thế nào. Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất được công bố về chủ đề này, nhưng nó không phải là nghiên cứu đầu tiên tiết lộ sự thật về việc lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn như thế nào. Nghiên cứu này và các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng việc ngồi trong thời gian dài mỗi ngày không nghỉ có thể khiến cơ thể bạn già đi nhanh chóng.

Ngồi lâu đẩy nhanh quá trình lão hóa như thế nào?

Công việc văn phòng khiến cho mọi người ít có thời gian vận động và thường ngồi hàng giờ trên ghế. Thật không may, điều này có thể tàn phá sức khỏe của bạn rất nhiều.

Nghiên cứu về tim mạch của JAMA cho thấy rằng tất cả các nhóm đối tượng mà họ nghiên cứu đều có kết quả chứng minh rằng thời gian ngồi nhiều hơn dẫn đến nguy cơ biến chứng sức khỏe cao hơn. Theo một bài báo trên ScienceAlert, ngồi 6-8 tiếng/ngày "làm tăng nguy cơ tương đối của bệnh tim và tử vong sớm khoảng 12-13%, so với những người ngồi ít hơn 4 tiếng/ngày. Nếu thời gian ngồi vượt quá con số 8 tiếng thì rủi ro sẽ tăng lên đến 20%.

Nhiều nghiên cứu khác đã tìm ra kết luận tương tự về tác dụng phụ của việc ngồi trong thời gian dài suốt cả ngày. Một báo cáo được công bố vào năm 2019 trên tạp chí The American Journal of Preventive Medicine của Mỹ cho thấy thời gian ngồi lâu hơn hàng ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc cả bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. 

Ngoài ra, một nghiên cứu khác năm 2017 từ tạp chí The Journal of Lifestyle Medicine  đánh giá thói quen của nhân viên văn phòng đã kết luận rằng thời gian ngồi lâu hàng ngày (cũng 6-8 tiếng) có liên quan đến tăng huyết áp và các triệu chứng rối loạn cơ xương trong cơ thể.

Mayo Clinic cũng cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm của việc ngồi liên tục hàng giờ liền mà không nghỉ ngơi vận động. Đồng thời tuyên bố rằng việc biến điều này thành thói quen hàng ngày có thể liên quan đến các biến chứng sức khỏe như huyết áp cao, béo phì, lượng đường trong máu cao và cả mỡ nội tạng dư thừa. 

Trên thực tế, sau khi xem xét 13 nghiên cứu đề cập đến thời gian ngồi so với lượng hoạt động hàng ngày của một người, các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic kết luận rằng "những người ngồi hơn 8 giờ một ngày mà không hoạt động thể chất có nguy cơ tử vong tương tự như nguy cơ tử vong do béo phì và hút thuốc lá".

Mặc dù đây là một thống kê đáng báo động, nhưng may mắn thay, thay đổi thói quen ít vận động có thể dễ dàng hơn bạn nghĩ.

Những người ngồi hơn 8 giờ một ngày mà ít vận động có nguy cơ tử vong tương tự như nguy cơ tử vong do béo phì và hút thuốc lá. (Ảnh minh họa)

Kết hợp vận động hàng ngày để thay đổi sức khỏe của bạn

Mặc dù nhiều người trong chúng ta cần tiếp tục ngồi nhiều giờ một ngày để hoàn thành công việc của mình, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng dù chỉ thêm 1 giờ vận động mỗi ngày cũng có thể mang lại những tác động tích cực rất lớn. 

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 từ Đại học Cambridge cho thấy 60-75 phút tập thể dục vừa phải hàng ngày, bao gồm đi bộ nhanh hoặc đạp xe, có thể loại bỏ các tác động bất lợi của lão hóa cũng như tăng nguy cơ tử vong sớm.

Mặc dù bạn có thể không thực hiện được điều này hàng ngày do lịch trình bận rộn hoặc các yếu tố phổ biến khác, nhưng bạn nên biết rằng chỉ một hành động đơn giản như đi bộ có thể tạo ra sự khác biệt trong việc cải thiện sức khỏe của bạn. 

Vì vậy, nếu bạn làm việc văn phòng hoặc làm việc tại nhà, hãy thử đi dạo buổi sáng hoặc buổi tối sau khi ăn tối. Ngoài ra, khi được lựa chọn giữa đi cầu thang bộ hoặc đi thang máy, hãy chọn đi thang bộ để giảm bớt thời gian ít vận động.

HOÀNG DƯƠNG