|
|
Các bệnh lý về cột sống đang dần trẻ hóa, đặc biệt do thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Ảnh:Shutterstock. |
Nam thanh niên 20 tuổi tìm đến phòng khám ngoại trú khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, do thường xuyên bị tê tay, đau lưng vào buổi tối.
Qua trao đổi, bác sĩ phát hiện chàng trai có thói quen nằm bấm điện thoại trên giường nhiều giờ trước khi đi ngủ. Ngay lập tức, bác sĩ xác định thói quen này là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng kể trên.
Trong quá trình sử dụng điện thoại, cổ tay con người buộc phải gập lại trong một thời gian dài khiến các dây thần kinh ở vùng tay bị chèn ép, gây tê tay. Quan trọng hơn, việc duy trì tư thế cong người về lâu dài có ảnh hưởng đến cột sống, đặc biệt là cột sống cổ.
Không kê một đơn thuốc nào, bác sĩ chỉ khuyên người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt. Nếu phải dùng điện thoại, nên ngồi thay vì nằm. Một tuần sau trở lại tái khám, các triệu chứng của nam thanh niên đã cải thiện.
Đây chỉ là một trong rất nhiều thói quen phổ biến của giới trẻ có thể vô tình gây ảnh hưởng đến xương khớp. Thông tin được TS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chia sẻ trong khuôn khổ talkshow Kết án hung thủ "S" được tổ chức tại Đại học FPT TP.HCM.
Những thói quen làm tổn thương cột sống
Theo TS.BS Võ Văn Tân, trước đây, hầu hết người mắc các bệnh lý liên quan đến cột sống đều ở độ tuổi sau 55. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng người trẻ đến “gõ cửa” phòng khám ngoại trú khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày một tăng.
Trung bình, mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng 50% ca bệnh liên quan đến cột sống. Các bệnh lý thường đa dạng, có đủ mức độ từ nặng đến nhẹ, thường gặp nhất là thoái hóa cột sống, chấn thương cột sống, viêm tụy.
|
|
TS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (phải) trong buổi chia sẻ. Ảnh:BTC. |
Lý do phổ biến xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ngồi sai tư thế hoặc ít vận động của giới trẻ.
Khi ngồi sai tư thế, các cơ sẽ bị co lại, gây đau cột sống. Nếu tiếp tục duy trì tư thế đó lâu ngày, các cơ càng co và tác động đến đĩa đệm, khiến đĩa đệm bị lệch ra khỏi đốt sống. Lúc này, các đốt sống sẽ đè lên rễ thần kinh, gây cảm giác đau nặng hơn.
Bên cạnh đó, bệnh lý thừa cân, béo phì cũng có thể dẫn đến các triệu chứng đau cột sống.
Về biểu hiện, bệnh có nhiều mức độ khác nhau. Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là cảm giác đau lưng, đau cổ khi phải khiêng vác vật nặng. Trong các giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ có cảm giác tê bì chân tay. Đối với các bệnh lý cột sống, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến teo cơ, tàn phế.
Cách giảm đau cột sống đơn giản nhất
Hiện nay, một trong những thói quen phổ biến nhất của các bạn trẻ khi bị đau cột sống chính là đến "cầu cứu" những cơ sở trị liệu bằng phương pháp Chiropractic. Tuy nhiên, bác sĩ Tân nhấn mạnh đây là phương pháp đòi hỏi kiến thức, chuyên môn cao. Nếu đặt niềm tin ở những cơ sở không uy tín sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể.
Bên cạnh đó, khi bị đau cột sống, không ít bạn trẻ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua sắm các loại ghế công thái học, bàn đứng… để sử dụng với mong muốn tình trạng được cải thiện. Dù vậy, các cơn đau vẫn không thuyên giảm.
|
|
Việc đi bộ có thể giúp thay đổi đáng kể sức khỏe, trong đó có sức khỏe xương khớp. Ảnh:Freepik. |
Theo bác sĩ Tân, đây chỉ là những công cụ hỗ trợ, không mang tính chất điều trị. Khi mắc bệnh, bạn trẻ nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị.
Dù vậy, bạn trẻ vẫn hoàn toàn có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ kể trên với điều kiện các thiết bị này phải phù hợp với kích thước cơ thể và bệnh lý.
“Cách giúp giảm đau cột sống đơn giản nhất là đi bộ”, bác sĩ Tân nhấn mạnh.
Người bệnh đau cột sống có thể bắt đầu bằng việc đi bộ 2 km/ngày và nâng dần cự ly khi đã thích nghi. Trong quá trình đi bộ, xương khớp được vận động thường xuyên dẫn đến tăng chức năng cột sống. Từ đó, khả năng thẩm thấu của đốt sống, đĩa đệm, các mô mềm quanh cột sống cũng tăng theo, tránh nguy cơ bị thoái hóa.
Ngoài ra, khi đi bộ, cơ thể cũng sẽ tiết ra dopamine, morphin nội sinh giúp tinh thần hưng phấn, giảm đau và cải thiện tình trạng mất ngủ.
Bên cạnh đó, tinh thần căng thẳng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống. Thường xuyên đối mặt với căng thẳng có thể gây căng cơ, đặc biệt là cơ lưng và vai.
Vì vậy, ngủ đủ giấc là yếu tố quan trọng để giảm căng thẳng. Đồng thời, người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật như yoga, hít thở sâu… để tinh thần thoải mái hơn.
Bác sĩ Tân lưu ý việc bảo vệ sức khỏe cột sống không chỉ cần được quan tâm khi đã có dấu hiệu đau đớn hoặc mắc bệnh. Để có một cơ thể khỏe mạnh và duy trì khả năng vận động lâu dài, người trẻ luôn cần chú ý đến tư thế, thói quen sinh hoạt. Bên cạnh đó, không nên quên thường xuyên thực hiện các bài tập giúp cột sống luôn linh hoạt và vững chắc.
Theo lifestyle.znews