1. Đột quỵ do tăng huyết áp dễ xảy ra khi thời tiết lạnh

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh là một yếu tố nguy cơ cao với người bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ hay xảy ra trong mùa lạnh do khi cơ thể bị nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ.

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành và kiểm soát các bệnh lý này.

Thời tiết lạnh, người bệnh tăng huyết áp phải nhớ hạn chế những thực phẩm này để phòng ngừa biến chứng - Ảnh 2.

Các biến chứng của tăng huyết áp.

2. Chế độ dinh dưỡng quan trọng thế nào?

Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, tăng huyết áp là bệnh mạn tính có liên quan trực tiếp đến dinh dưỡng và lối sống. Trong điều trị bất kể giai đoạn nào thì dinh dưỡng và lối sống cũng là nền tảng.

Người bệnh tăng huyết áp ngoài việc uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cần phải tuân thủ chế độ ăn uống và thay đổi lối sống giúp huyết áp ổn định, phòng ngừa biến chứng.

Để phòng ngừa và kiểm soát tăng huyết áp, BS. Trần Thị Hiếu khuyên người bệnh cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng; Ăn nhạt, tăng cường ăn rau xanh, quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol, chất béo bão hoà, chất béo chuyển hoá, hạn chế tối đa uống rượu bia và không hút thuốc lá. Cụ thể:

- Người bệnh cần ăn uống đủ chất, ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn, thực phẩm ít qua chế biến và bảo quản.

- Chọn thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng như: thịt nạc, gà, cá, tôm, cua, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại khoai và các loại đậu đỗ, lạc, vừng. Nên ăn dầu thực vật.

Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi vì đây là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và các yếu tố vi lượng cần thiết như: kali, magiê, phốt pho, chất chống oxy hóa… giúp giảm cholesterol, làm chậm sự tiến triển của xơ vữa động mạch, kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch, rất có lợi cho người bệnh tăng huyết áp. Mỗi ngày ăn 300-400g rau, 200-300g trái cây là đủ.

- Chế biến đơn giản, sử dụng nhiều món ăn hấp, luộc thay cho các món kho, xào, nướng…

- Uống đủ nước từ 1,5 lít - 2 lít nước/ngày. Nên uống bổ sung sữa, chọn các loại sữa tách béo không đường hoặc các loại sữa hạt không đường.

Thời tiết lạnh, người bệnh tăng huyết áp phải nhớ hạn chế những thực phẩm này để phòng ngừa biến chứng - Ảnh 3.

Người bệnh tăng huyết áp nên ăn thịt nạc, rau xanh.

3. Người bệnh tăng huyết áp phải ghi nhớ hạn chế những thực phẩm này

3.1. Muối

Khi ăn quá nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng thể tích máu lưu thông, tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp.

Vì vậy, bạn cần cắt giảm muối trong chế độ ăn uống. Chỉ nên ăn lượng muối dưới 5g (1 thìa cà phê/ngày).

Nên xây dựng thói quen ăn các món luộc, hấp, không chấm nước mắm mặn, các món canh nấu nhạt hơn so với khẩu vị bình thường. Không ăn các thức ăn chế biến sẵn, không ăn dưa cà muối và các loại mắm.

Tự nấu ăn tại nhà cũng là biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể.

3.2. Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, giăm bông… thường chứa rất nhiều muối, đường, phụ gia và chất bảo quản. Tất cả đều không tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

Vì vậy, người bệnh không nên sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn. Khi mua đồ hộp hoặc đồ chế biến sẵn nên lưu ý đọc thành phần để có thể "nói không" với sản phẩm có quá nhiều muối và chất bảo quản.

Thời tiết lạnh, người bệnh tăng huyết áp phải nhớ hạn chế những thực phẩm này để phòng ngừa biến chứng - Ảnh 5.

Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường, phụ gia không tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

3.3. Thực phẩm nhiều chất béo và đường

Nên hạn chế thức ăn nhiều chất béo, đường vì chúng gây thừa cân, béo phì, tăng cholesterol trong máu, gây vữa xơ động mạch. Béo phì sẽ khiến trọng lượng cơ thể càng nặng, cơ thể càng phải bơm nhiều máu hơn. Điều này gây căng thẳng hơn cho các mạch máu, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

3.4. Rượu bia, thuốc lá

Uống rượu bia là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong việc khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Uống nhiều rượu bia cũng là có nguy cơ dẫn đến các rối loạn chuyến hóa mỡ, đường, acid uric, béo bụng, tăng cân khó kiểm soát. Đây cũng là những nguyên nhân làm huyết áp tăng lên.Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý hạn chế tối đa uống rượu bia.

Hút thuốc lá làm tăng tốc độ hình thành cục máu đông lòng mạch, làm xơ vữa mạch máu, gia tăng mảng bám xơ vữa tích tụ trong động mạch. Do vậy, người bệnh tăng huyết cần phải bỏ thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá để phòng ngừa tác hại của thuốc lá gây ra đối với cơ thể như xơ vữa động mạch, góp phần giảm nguy cơ đột quỵ.

 BS. Hiếu lưu ý, mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, tress kéo dài. Chú ý vận động thể lực đều đặn. Vào mùa lạnh, cần giữ ấm cơ thể đúng cách, đặc biệt là với người cao tuổi. Không nên ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn khi trời lạnh. Nên khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo suckhoedoisong.vn