leftcenterrightdel
 

Vi khuẩn listeria có thể sống trong đất, nước, bụi, phân động vật,... Bạn có thể bị bệnh nếu ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn này. Nhiễm trùng do vi khuẩn listeria có thể gây bệnh nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

1. Triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Listeria

Nếu bạn bị nhiễm khuẩn listeria, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

- Sốt

- Ớn lạnh

- Đau cơ

- Buồn nôn hoặc nôn mửa

- Tiêu chảy

Các triệu chứng có thể bắt đầu vài ngày sau khi bạn ăn thực phẩm bị ô nhiễm, nhưng có thể mất 30 ngày hoặc hơn trước khi các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của nhiễm trùng bắt đầu.

Nếu nhiễm trùng listeria lây lan đến hệ thần kinh, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

- Đau đầu

- Cổ cứng

- Lú lẫn hoặc thay đổi mức độ tỉnh táo

- Mất thăng bằng

- Co giật

Các triệu chứng nhiễm vi khuẩn listeria ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Khi mang thai, nhiễm trùng listeria có thể chỉ gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ ở người mẹ. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn Listeria khi mang thai có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu hoặc các vấn đề đe dọa tính mạng khác đối với thai nhi.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng listeria ở trẻ sơ sinh có thể khó phát hiện nhưng có thể bao gồm:

- Thờ ơ và không bú

- Cáu gắt

- Sốt

- Nôn mửa

- Khó thở

leftcenterrightdel
Buồn nôn, tiêu chảy là triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm khuẩn Listeria (Ảnh: Internet) 

2. 5 loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Listeria

Listeria monocytogenes, vi khuẩn gây bệnh listeriosis, là một loại vi khuẩn được tìm thấy ở khắp mọi nơi, bao gồm cả đất, nước và trong đường tiêu hóa của động vật. Bởi vì chúng có mặt khắp nơi nên vi khuẩn có thể làm ô nhiễm trái cây và rau quả trong quá trình trồng và thu hoạch hoặc các thực phẩm khác trong quá trình chế biến.

Có một số loại thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm Listeria cao hơn do quy trình sản xuất hoặc cách bảo quản hoặc ăn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm ăn liền có nguy cơ bị nhiễm Listeria cao hơn vì chúng thường không được hâm nóng trước khi ăn.

Dưới đây là những loại thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn Listeria và có thể gây ngộ độc:

- Thịt chế biến sẵn

Các loại thịt chế biến sẵn (thịt nguội, xúc xích và pate) và pho mát cắt lát sẵn là những nguồn gây bệnh Listeria phổ biến. Điều này là do Listeria có thể dễ dàng lây lan giữa thực phẩm, các bề mặt chế biến thực phẩm như máy thái đồ nguội và tay. Listeria là một loại vi trùng khó loại bỏ hoàn toàn khi nó xuất hiện trong cửa hàng đồ ăn nhanh hoặc cơ sở chế biến thực phẩm. Nó có thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ lạnh trong tủ lạnh.

- Dưa

Listeria có thể nhiễm từ đất đến vỏ dưa (dưa hấu hoặc dưa vàng) và mặc dù nó không phát triển trên vỏ nhưng khi chúng ta cắt dưa để ăn có thể đưa vi khuẩn vào thịt. Sau đó, chúng ta có thể không ăn hết ngay lập tức nhưng vài ngày sau lại cắt thêm một ít và đem ra ngoài ăn khi đi dã ngoại, vi khuẩn lại càng phát triển nhiều hơn. Hoặc nếu bạn để nó ngoài tủ lạnh, nó có thể phát triển nhanh hơn. Listeria phát triển ở nhiệt độ 4 độ nhưng giữ nó trong tủ lạnh sẽ giúp làm chậm sự phát triển.

- Sữa tươi chưa tiệt trùng

Sữa tươi là sữa lấy từ bò hoặc các động vật khác chưa được tiệt trùng để tiêu diệt vi khuẩn có hại nên có thể mang theo các vi khuẩn nguy hiểm như Listeria , Salmonella , E. coli và Campylobacter.

- Giá đỗ

Giá đỗ là một loại rau mầm. Rau mầm đặc biệt dễ bị nhiễm mầm bệnh trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt và giàu chất dinh dưỡng cần thiết để trồng chúng. Khi ăn sống giá đỗ có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm do Salmonella, E. coli hoặc Listeria.

- Cá sống và động vật có vỏ

Listeria có thể gây ô nhiễm nguồn nước do nước thải của lò mổ và nhà máy đóng gói gia cầm, bao gồm sông, hồ và kênh rạch,... Do vậy, cá và các động vật có vỏ được nuôi ở khu vực này dễ nhiễm Listeria và các loại vi khuẩn có hại khác.

leftcenterrightdel
Thịt chế biến sẵn là những nguồn gây bệnh Listeria phổ biến (Ảnh: Internet) 

3. Cách phòng tránh nhiễm trùng do vi khuẩn Listeria

Cách chính để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Listeria là áp dụng các kỹ thuật vệ sinh thực phẩm tốt. Để ngăn chặn vi khuẩn listeria trong thực phẩm, bạn nên:

- Làm sạch tất cả các bề mặt bếp, thớt và đồ dùng bằng nước nóng và xà phòng khi nấu xong.

- Rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và các loại vi khuẩn.

- Nấu chín các món thịt, gia cầm và trứng. Để thịt và gia cầm chưa nấu chín cách xa các thực phẩm khác.

- Hãy sử dụng xúc xích trong vòng một tuần sau khi mở gói, còn thịt nguội để trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi mở gói.

- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thực phẩm cũng như sau bất kỳ quy trình làm sạch và vệ sinh nào.

- Vứt bỏ bất cứ thứ gì để ở nhiệt độ phòng hơn 4 giờ.

- Giữ nhiệt độ dưới 4 độ C trong tủ lạnh và dưới 0 độ C trong tủ đông. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.

- Bảo quản thịt sống riêng biệt với thực phẩm đã nấu chín và ăn liền.

- Hâm nóng lại đồ ăn được bảo quản trong tủ lạnh trước khi ăn.

- Phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch yếu nên tránh một số loại thực phẩm, bao gồm sữa chưa tiệt trùng, pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng, giá sống, cá sống và những thực phẩm có nguy cơ cao.

leftcenterrightdel
Rửa tay trước và sau khi nấu ăn để tránh nhiễm khuẩn chéo sang thực phẩm (Ảnh: Internet) 

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sau khi ăn bất kể thực phẩm nào, đặc biệt sau khi ăn sữa chưa tiệt trùng hoặc xúc xích, thịt nguội, pate chưa được đun nóng và bạn cảm thấy bị sốt, đau cơ, buồn nôn hoặc tiêu chảy, hãy liên hệ với bác sĩ.

Nếu bạn bị sốt cao, nhức đầu dữ dội, cứng cổ, lú lẫn hoặc nhạy cảm với ánh sáng, bạn cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể chỉ ra bệnh viêm màng não do vi khuẩn, một biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm trùng listeria.

Vân Anh/Nguồn: Tổng hợp