Một số người trẻ tự tạo áp lực trong công việc. Tuy nhiên, hành động này vô tình khiến họ gặp vấn đề về sức khỏe...
|
Một số người trẻ tạo áp lực cho bản thân để đạt được thành công
|
"Không có áp lực, không có kim cương"
Ngoài công việc “nhẹ” là quản lý homestay (du lịch lưu trú nhà người dân) ở Q.7, TP.HCM, anh Lữ Duy Tường (25 tuổi), ngụ tại hẻm 101 Nguyễn Thị Tần, P.2, Q.8, TP.HCM còn kinh doanh thêm quán ăn, làm bất động sản, tham gia các hoạt động cộng đồng, an sinh xã hội... sở dĩ anh Tường làm nhiều việc vì không muốn bản thân sống an phận, nằm mãi ở "vùng an toàn".
“Tôi luôn mạnh dạn bức phá giới hạn của bản thân bằng việc thử thách với nhiều công việc khó và áp lực hơn. Tôi luôn giữ quan niệm "không có áp lực, không có kim cương" và lấy nó làm kim chỉ nam cho công việc và cuộc sống của mình”, anh Tường nói.
|
Tường đảm nhận nhiều công việc
|
Chàng trai 25 tuổi chia sẻ: "Có những ngày công việc tôi gặp trục trặc, cứ ập đến dồn dập, đôi khi tôi không biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu và cái nào trước. Có khi tôi phải mất một chút thời gian mới định hình lại được toàn cảnh vấn đề để mà bình tĩnh xử lý từng cái một".
Anh Tường kể tiếp: "Nhiều đêm, tôi phải thức trắng để liên hệ các đơn vị dịch vụ. Áp lực về công việc, về thời gian cùng một lúc nhưng tôi vẫn thản nhiên và xem đó như một điều tất yếu".
Tuy nhiên, sau vài năm làm việc ở nhiều vị trí, cũng như chịu những áp lực khác nhau, chàng trai 25 tuổi nhìn nhận: “Quan điểm trên giúp tôi phát triển mạnh mẽ và nhanh hơn. Vì để đáp ứng được công việc ở mức độ khó, tôi phải luôn luôn chủ động học hỏi, trau đồi kiến thức mới, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm để xử lý công việc tốt hơn. Qua quá trình trải nghiệm với công việc hàng ngày, tôi tích luỹ cho mình kinh nghiệm và cảm thấy có thêm vốn sống hơn".
Nên thư giãn bằng cách nghe nhạc, thiền... mỗi khi gặp áp lực
Võ Phi Thành Đạt (23 tuổi), hiện đang công tác tại Tập đoàn FDI, Q.7 (TP.HCM) khẳng định: "Chỉ có áp lực mới tạo ra thành công”. Đạt cho hay bản thân có hoài bão lớn. Anh còn tự tạo ra nhiều mục tiêu và áp lực riêng để hoàn thành tốt công việc.
“Mỗi lần đối đầu với áp lực thì bản thân trở nên cứng cáp hơn, cách giải quyết vấn đề nhanh gọn và hiệu quả hơn. Để tạo ra sự đột phá và giá trị mới thì tôi phải vùi mình vào mớ áp lực, quằn quại ngồi suốt trên bàn làm việc để suy nghĩ. Từ đó liên tục đối chiếu, hoạch định và sắp xếp rất nhiều thứ để hoàn thành trước thời gian công việc đặt ra", Thành Đạt cho biết.
|
Đạt tạo ra nhiều mục tiêu, áp lực để hoàn thành tốt công việc
|
Đạt kể: “Có lần tôi tự nhốt mình trong phòng suốt 7 ngày để tạo áp lực trong công việc. Lúc đó, đồ ăn thức uống tôi nhờ người thân chuyển giúp để bản thân có thể tập trung cao độ, cũng như không bị đứt khoảng mạch tư duy hoàn thành tiến độ công việc... Những lúc như vậy, đầu óc bản thân lại khai phá nhiều thứ năng lượng tiềm tàng, từ đó mang lại hiệu quả trong công việc hơn".
Tuy nhiên, việc tạo áp lực cho bản thân đã gây cho chàng trai 23 tuổi nhiều hệ lụy khá đáng kể. “Đồng hồ sinh học của tôi bị lệch đi, bản thân ăn uống thất thường và sự cân bằng sức khoẻ đã bị loạn choạng. Những mối quan hệ xã hội, gia đình của tôi đều bị gián đoạn. Tôi ít quan tâm, chăm sóc cơ thể mình hơn và bản thân cứ bị công việc chi phối mãi trong đầu nên rất mệt mỏi", Đạt nói.
|
Đạt gặp nhiều rắc rối về sức khỏe khi tạo áp lực trong công việc
|
Đạt chia sẻ thêm: "Tôi ham việc tới mức đang cho phép bản thân mình chợp mắt một chút nhưng khi loé lên ý tưởng thì tôi bật dậy và ngồi tiếp trên bàn làm việc, chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy sức khỏe lẫn cả tinh thần tôi dễ mất cân đối nếu bản thân mình không khoanh vùng và cân bằng công việc".
Cũng là người luôn tạo áp lực trong công việc, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (34 tuổi) làm truyền thông cho một công ty trên đường Võ Văn Tần, Q.3 (TP.HCM) thừa nhận sức khoẻ và tinh thần bản thân bị ảnh hưởng khi tự tạo áp lực trong công việc là điều hiển nhiên.
"Việc gì cũng phải phải có hai mặt và khi đã chọn thì phải chấp nhận sự đánh đổi. Điều quan trọng là chính bản thân mình muốn gì và cần gì cho mình hơn thôi", anh Nghĩa chia sẻ.
|
Người trẻ chọn áp lực để thành công
|
"Chọn thảnh thơi để an phận hay chọn áp lực để có cuộc sống với vô vàn điều thú vị. Tôi nghĩ khi bản thân đã đủ lực chống chọi trước bao khó khăn kia thì sức khoẻ và tinh thần mình không còn là vấn đề nữa, mình hoàn toàn có thể kiểm soát được", anh Nghĩa nói.
Trong khi đó, bác sĩ đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt (làm việc tại Trung tâm y tế Vĩnh Hưng, Huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cho biết công việc của anh luôn gặp áp lực. Tuy nhiên bản thân luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
Bác sĩ Kiệt mong muốn mỗi người phải biết cân bằng cuộc sống của mình
|
"Mỗi người phải biết cách tự cân bằng cuộc sống của bản thân mình. Với cuộc sống hối hả tất bật hiện tại thì một số người trẻ bị mất cân bằng. Không tìm được định hướng cho bản thân. Trầm trọng hơn là bị bệnh về tâm thần nhẹ, rối loạn lo âu. Hãy nên thư giãn bằng cách nghe nhạc, thiền... mỗi khi gặp áp lực trong công việc. Nếu có thời gian nhiều, bạn hãy chạy xe loanh quanh ngắm cảnh hoặc chụp ảnh để tự giải toả áp lực rồi mới trở lại nơi làm việc", bác sĩ Kiệt khuyên.
Theo Thanh niên