Hệ lụy khi trẻ biếng ăn
Tỷ lệ biếng ăn ở Việt nam có xu hướng tăng theo sự phát triển kinh tế. Theo nghiên cứu đánh giá tình hình bệnh nhi đến khám hàng năm tại khoa khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ chẩn đoán biếng ăn ở trẻ đến khám tại Viện chiếm đến 37%, trong khi đó tỷ lệ ở Mỹ là 25-45%.
Theo tài liệu Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng của Viện Dinh dưỡng, tiêu chuẩn chẩn đoán biếng ăn khi có 1 trong các dấu hiệu sau và đã tiến triển trong 1 tháng qua là trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết do sự mất ngon miệng; Cũng do không thích ăn dẫn đến thời gian ăn thường xuyên kéo quá dài (trên 30' thậm chí hàng tiếng/bữa) để trẻ có thể ăn được lượng thực phẩm yêu cầu theo lứa tuổi.
Biếng ăn bao gồm cả khái niệm kén ăn: trẻ không ăn được đa dạng các loại thức phẩm mà chỉ ăn được rất ít loại. Biếng ăn không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hay rối loạn tâm lý.
Biếng ăn lâu dài có thể nghiêm trọng. Biếng ăn-->ăn ít --> thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, dầu mỡ, vitamin, vi lượng... --> hậu quả suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các vi chất như khô mắt, thiếu máu…--> càng làm cho trẻ biếng ăn hơn, suy dinh dưỡng nặng hơn. Trẻ suy dinh dưỡng --> dễ mắc các bệnh nhiễm trùng --> càng biếng ăn nặng hơn.
Biếng ăn không chỉ gây suy dinh dưỡng mà thường ảnh hưởng tâm lý trẻ do bị căng thẳng trong giờ ăn, và tâm lý gia đình do lo lắng, nếu mẹ đang nuôi con bú sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng và chất lượng sữa. Do vậy, cha mẹ phải có các biện pháp khắc phục, bền vững nhất là chăm sóc dinh dưỡng và xây dựng thực đơn để trẻ có hứng thú với việc ăn.
Chăm sóc trẻ biếng ăn
Bắt đầy là chăm sóc dinh dưỡng. Trẻ nhỏ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian mỗi lần bú ít hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.
Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung thì nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hoá và chia thành bữa nhỏ. Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích hơn để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn. Cần tạo tâm lý thoải mái, vui thích nhất là tâm lý ganh đua khi ăn sẽ kích thích các tuyến tiêu hoá hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm (theo cách phân loại cũ), hoặc tối thiểu 5/8 nhóm (theo cách phân loại mới), chú trọng đủ lượng đạm động vật, dầu mỡ trong khẩu phần theo lứa tuổi. Tập cho trẻ ăn những thức ăn mới lạ, luôn thay đổi món ăn hàng ngày. Chế biến món ăn ngon, phù hợp khẩu vị và lứa tuổi của trẻ. Thức ăn nấu loãng rồi đặc dần lên. Uống thêm nước hoa quả tươi để tăng cường vitamin sẽ giúp tăng khẩu vị ngon miệng. Chú ý: không cho trẻ uống nước ngọt, ăn quà vặt trước bữa ăn.
Về chăm sóc tâm lý, cần tạo cho trẻ tâm lý thoải mái khi ăn. Động viên khuyến khích trẻ ăn. Cho trẻ ăn cùng với bạn cùng lứa hoặc ăn cùng mâm với gia đình. Trò chuyện tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn, nhưng hướng trẻ tập trung vào bữa ăn.
Cho trẻ những thức ăn theo sở thích, khuyến khích trẻ hứng thú với sự đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, không nên đặt quá nặng giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm.
Trong trường hợp trẻ biếng ăn cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ uống sữa. Đây là thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa, dễ tạo cảm giác đói nhanh nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng. Phụ huynh nên chế biến các món ăn ngon, dễ làm, dễ nuốt, ưu tiên hình thức bắt mắt, kích thích sự tò mò của trẻ nhỏ với đồ ăn. Cụ thể như pizza tôm, chả trứng hấp, chả tôm bông cải xanh...
Bên cạnh đó, cha mẹ cần ưu tiên bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như kẽm, giúp hỗ trợ ăn ngon miệng, bé dung nạp thêm men tiêu hóa giúp nhanh hấp thu thức ăn, nhanh đói. Ngoài ra, men vi sinh có nhiều lợi khuẩn tốt giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Chấp nhận rằng trẻ có thói quen ăn uống khác nhau từ người trưởng thành - có thể ăn nhiều bữa hơn trong ngày hoặc trải qua các giai đoạn thích hoặc không thích các loại thực phẩm cụ thể. Khuyến khích con bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự do và khuyến khích giao tiếp cởi mở trong nhà. Cho trẻ ăn khi đói và dừng lại khi trẻ đã thấy no.
Khuyến khích trẻ chơi đùa, vận động thể lực, thể dục thể thao đều đặn để nuôi dưỡng sự tự tin của cơ thể, việc này còn giúp trẻ chóng đói và vui vẻ sẽ ăn ngon miệng hơn.
Giúp trẻ phát triển đúng đắn những nhận thức quan trọng về hình ảnh và thông điệp mà trẻ nhận được từ truyền hình, tạp chí, internet và truyền thông xã hội để trẻ không bị những nhận thức lệch lạc như sợ béo, xu hướng thích ăn kiêng ở tuổi còn nhỏ.
Cha mẹ tuyệt đối không quá nuông chiều hoặc ép buộc, nhồi nhét trẻ ăn. Không dùng việc ăn của trẻ làm thành tích thưởng phạt. Không để trẻ xao lãng bữa ăn bằng các hình thức giải trí như xem ti vi, chơi game, chạy nhảy trong bữa ăn. Không cho trẻ bỏ bữa, tham gia chế độ ăn theo trào lưu hoặc thực hiện các chế độ ăn uống không phù hợp với trẻ em.
Theo suckhoedoisong.vn