Insulin và kháng insulin là gì?

Insulin là một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu và quá trình trao đổi chất của cơ thể tức là quá trình biến thực phẩm bạn ăn thành năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể.

Tuyến tụy tạo ra insulin và giải phóng nó vào máu trong cơ thể. Insulin giúp cơ thể sử dụng đường để tạo ra năng lượng cần thiết, sau đó dự trữ phần còn lại.

Những sai lầm phổ biến trong ăn uống gây béo phì và nguy cơ kháng insulin - Ảnh 1.

Kháng insulin là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể đi kèm với một số bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường...

ThS.BS Vũ Thị Hiền Trinh – Khoa Nội tiết sinh sản, BV Nội tiết Trung ương cho biết: Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ thể bị giảm đáp ứng với tác dụng của hormone insulin, đặc biệt là các tế bào ở mô cơ và mô mỡ.

Kháng insulin là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể đi kèm với các bệnh lý khác như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, béo phì… Kháng insulin có thể là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý trên và làm tình trạng bệnh lý nặng hơn.

Kháng insulin ở bệnh béo phì và đái tháo đường type 2 được biểu hiện bằng việc giảm vận chuyển và chuyển hóa glucose do insulin kích thích ở tế bào mỡ và cơ xương và do suy giảm khả năng ức chế sản xuất glucose ở gan. Nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa béo phì với bệnh đái tháo đường type 2 và cơ sở chính cho mối liên hệ này là khả năng béo phì gây ra tình trạng kháng insulin.

Trong chế độ ăn uống, cần lưu ý đến nguyên tắc "không bỏ" và "không quá"

"Không bỏ" nghĩa là không bỏ bữa vì khi bỏ bữa, gan sẽ sử dụng hết tiền chất của glucose được gọi là glycogen. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự kết hợp giữa tăng cortisol do căng thẳng vì không ăn và glycogen thực sự có thể làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn một bữa ăn. Nồng độ cortisol cao (một loại steroid mà cơ thể chúng ta sử dụng để chống lại căng thẳng) cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin.

"Không quá" nghĩa là không ăn nhiều quá và không ăn ít quá. Ngoài ra cần chú ý không nên ăn "quá" nhiều bữa trong ngày (ăn vặt).

Những sai lầm phổ biến trong ăn uống gây béo phì và nguy cơ kháng insulin - Ảnh 2.

Mức giải phóng insulin với mô hình ăn 3 bữa, không ăn vặt.

Những sai lầm phổ biến trong ăn uống gây béo phì và nguy cơ kháng insulin - Ảnh 3.

Mức giải phóng insulin với mô hình ăn nhiều bữa và ăn vặt

Cử nhân dinh dưỡng Đỗ Át K ( Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết có trường hợp bệnh nhân đến tư vấn vì gan nhiễm mỡ, kháng insulin. Người bệnh cho biết rất dễ tăng cân dù ăn ít, nói một cách ví von là "chỉ hít không khí mà vẫn béo". Điều đáng nói là các bữa chính, bệnh nhân ăn rất ít nhưng trong các bữa phụ ngày nào cũng uống rải rác đủ nước vắt của 2 kg quả cam tươi. Tình trạng này duy trì khá lâu và bệnh nhân nghĩ là mình ăn uống như vậy là rất khoa học!?

Cử nhân Đỗ Át K cho biết, vấn đề dẫn đến sai lầm của việc uống quá nhiều nước cam cũng như nước ép trái cây là đường trong quả chín chủ yếu là đường fructose, loại đường này chỉ được chuyển hoá qua gan, nếu ăn nhiều quá sẽ cực kỳ gây gánh nặng cho gan và có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, kháng insulin.

Nhiều người sợ đường glucose nên ăn rất ít cơm và các thực phẩm nhóm chất bột như ngũ cốc nhưng chính đường glucose được tất cả các cơ quan trong cơ thể sử dụng và được rất nhiều các cơ quan dự trữ nên không gây gánh nặng cho gan như đường fructose. Nhưng cũng cần chú ý là ăn nhiều đường glucose "quá" cũng sẽ dẫn đến tích mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Vì vậy, nên có một chế độ cân đối về các loại thực phẩm, không nên "quá" với bất kỳ loại thực phẩm nào.

Theo suckhoedoisong.vn