Mùa thu là thời điểm tóc dễ gãy và rụng nhiều hơn. Loại bỏ nguyên nhân bệnh lý, rụng tóc vào mùa thu được lý giải là do bức xạ mạnh mẽ của mặt trời trong mùa hè.
Dưới sự tác động tiêu cực của tia UV, nhiều chân tóc chuyển từ giai đoạn tăng trưởng sang "nghỉ ngơi" như một cơ chế bảo vệ da đầu. Cuối cùng, vào cuối mùa hè và mùa thu, tóc chuyển sang giai đoạn ngừng phát triển và bắt đầu rụng.
1. Massage da đầu có thực sự giúp kích thích mọc tóc?
Theo các chuyên gia, ngoài việc đem lại cảm giác thư giãn, massage da đầu có thể làm dịu chứng đau đầu, giảm căng thẳng và cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của tóc.
Bác sĩ da liễu, chuyên gia về chăm sóc tóc Raechele Cochran Gathers (Mỹ) cho biết: "Tóc khỏe đẹp phụ thuộc vào tuần hoàn máu tốt, dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe da đầu. Massage da đầu thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy lưu lượng máu đến khu vực này, mang theo oxy và các chất dinh dưỡng có lợi cho tóc".
Bên cạnh đó, một nghiên cứu được thực hiện năm 2019 với 340 người tham gia đã cho thấy kết quả cải thiện tình trạng rụng tóc khi massage da đầu hai lần mỗi ngày. Cụ thể, khoảng 69% người tham gia ghi nhận giảm rụng tóc sau khi thực hiện thói quen này.
Từ góc nhìn y học, massage da đầu làm tăng độ dày của tóc bằng cách kéo căng các tế bào của nang tóc, từ đó kích thích các nang tạo ra tóc dày hơn. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng massage da đầu có thể giúp giãn nở các mạch máu bên dưới da, khuyến khích sự phát triển của tóc.
Massage da đầu có thể kích thích mọc tóc.
2. Massage da đầu như thế nào?
Massage da đầu có thể kích thích mọc tóc, tuy nhiên nhiều người thường không thực hiện một cách nhất quán hoặc thời gian massage quá ngắn nên không thấy kết quả khả quan. Để nhận được kết quả tốt nhất, bạn nên thực hiện mát xa ít nhất 5-10 phút mỗi ngày.
Bạn có thể thực hiện kết hợp trong khi đang gội đầu. Bằng cách dùng các đầu ngón tay của cả hai bàn tay tạo áp lực nhẹ đến trung bình lên da đầu, thực hiện massage theo vòng tròn nhỏ cho tới bao phủ tất cả các khu vực.
Lưu ý không sử dụng móng tay trong quá trình massage da đầu. Việc này có thể làm tổn thương da đầu và nang tóc một cách đáng kể.
3. Các thói quen giúp kích thích mọc tóc khác
Bên cạnh việc massage da đầu, bạn cần chú ý chăm sóc tóc cải thiện tình trạng rụng tóc bằng chế độ ăn uống lành mạnh và các biện pháp bảo vệ tóc cần thiết.
3.1 Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc
Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng có thể góp phần gây rụng tóc. Bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu biotin, protein hay kẽm từ cá, thịt bò hay ngũ cốc… rất tốt cho tóc. Ngoài ra, nên ưu tiên ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung độ ẩm cũng như vitamin cho mái tóc thêm chắc khỏe.
Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng có thể góp phần gây rụng tóc.
3.2 Duy trì các thói quen chăm sóc tóc
Để chăm sóc tóc dễ gãy rụng, nên lựa chọn các loại dầu gội, dầu xả lành tính, ít hóa chất giúp giữ lại và bổ sung lượng dầu cho tóc cần thiết.
Ngoài ra, tránh gội đầu và chải tóc quá nhiều. Đồng thời hạn chế sử dụng hóa chất uốn, nhuộm và các dụng cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt. Tất cả những thứ này đều có thể làm suy yếu lớp biểu bì của tóc và gây ra gãy rụng.
3.3 Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng tới nội tiết dẫn tới rụng tóc. Bạn có thể thư giãn thông qua các hoạt động thể dục, yoga, nghe nhạc, thiền, sinh hoạt lành mạnh... để tránh những tác động tiêu cực tới sức khỏe nói chung.
Theo suckhoedoisong.vn