Đạp xe là bộ môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, phù hợp với cả nam và nữ. Thế nhưng việc đạp xe không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến "vùng kín", đặc biệt đối với nữ giới.
TS. Bác sĩ Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ở nữ giới, bộ phận chịu tác động nhiều nhất khi đạp xe là vùng xương chậu. Khu vực này bao gồm cả bộ phận sinh dục và hậu môn. Các động tác chuyển động mạnh trong quá trình đạp xe có thể khiến vùng xương chậu cọ xát nhiều với yên xe, làm giảm phần nhạy cảm ở bộ phận sinh dục của nữ giới. Trường hợp nặng có thể dẫn đến giảm cảm giác ham muốn.
Ngoài ra, sự chèn ép lâu của yên xe đạp có thể gây tổn thương dây thần kinh ở ngay phía dưới. Đây nơi cung cấp thần kinh cho toàn bộ hệ thống cơ quan sinh dục của nam và nữ giới.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành nhấn mạnh, những tác hại của việc đạp xe như trên chỉ gặp khi đạp xe quá nhiều hoặc đạp xe không đúng cách. Với trường hợp đạp xe khoa học, điều độ, chọn loại xe phù hợp vẫn mang lại những giá trị nhất định với sức khỏe.
Ai không nên đạp xe?
Mặc dù là môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều độ tuổi, thế nhưng không phải ai cũng có thể luyện tập đạp xe thường xuyên như một môn thể thao.
Bác sĩ Thành nêu rõ những người không nên lựa chọn môn thể thao này bao như người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương nặng…
Hoặc những trường hợp rách cơ, trật khớp, giai đoạn đầu của chấn thương không được đi xe đạp, nên chờ đến giai đoạn hồi phục mới tập luyện, nhưng ở mức độ vừa phải với cường độ ít và thời gian ngắn.
Ngoài ra, đi xe đạp là bộ môn thăng bằng nên những người mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý như hay hoảng sợ đám đông; người có chứng sợ độ cao cũng không nên tập môn thể thao này. Nếu vẫn muốn lựa chọn đạp xe để rèn luyện sức khỏe, cần điều trị ổn định mới có thể tập.
"Lựa chọn một môn thể thao bất kỳ, người luyện tập cũng cần lắng nghe cơ thể để không xảy ra tai nạn, gặp chấn thương đáng tiếc", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Làm sao để giảm tác hại đến "vùng kín" khi đạp xe?
Theo bác sĩ Thành, để giảm những tác hại lên bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ, cần lưu ý:
- Không ngồi trên xe quá lâu, chọn loại yên xe có thiết kế yên ngồi mềm, bằng phẳng đủ diện tích tiếp xúc với vùng chậu, hông.
- Kiểu dáng, kích thước xe phù hợp với cơ thể, tránh để tình trạng xe quá cao hoặc quá thấp khiến bộ phận sinh dục bị cọ xát, tì ép nhiều.
- Trang phục phù hợp khi đạp xe, không chọn trang phục quá nóng, chật chội, bó sát người.
- Trường hợp người đi xe đạp có dấu hiệu bất thường nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cần lưu ý trước khi đạp xe phải theo dõi chất lượng không khí, chỉ số ô nhiễm môi trường. Nếu chất lượng không khí kém, ô nhiễm, nên chọn các phương tiện khác để di chuyển.
Môn thể thao đạp xe là môn rèn luyện sức bền giống như chạy bộ hoặc đi bộ nên trong quá trình đạp, việc hít thở sẽ diễn ra nhanh và nhiều hơn. Do vậy, nếu chất lượng không khí kém sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ hô hấp.
Theo giadinhonline.vn