leftcenterrightdel
 Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác động của nhịn ăn có giúp giảm cân hay không vẫn chưa rõ ràng. Ảnh minh họa

Nhiều người có thói quen nhịn ăn và chỉ nạp năng lượng một lần trong ngày với mục đích giảm cân. Trong đó, nhịn ăn gián đoạn, hay còn gọi là phương pháp “16:8”, rất phổ biến. Nó được coi như một giải pháp hiệu quả để giảm cân và ngăn ngừa các bệnh khác nhau.

Tác hại tiềm ẩn

Nhiều nghiên cứu gần đây cảnh báo về những hậu quả có thể gây hại đến sức khỏe tim mạch từ chế độ nhịn ăn gián đoạn. Một trong số đó là nghiên cứu từ Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Nghiên cứu đã chỉ ra những tác động có hại tiềm ẩn đối với hệ tim mạch từ việc nhịn ăn gián đoạn.

Chia sẻ về phương pháp nhịn ăn này, bác sĩ Tạ Tùng Duy, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nếu nhịn ăn sai cách, mọi người có thể cảm thấy đau đầu, khó chịu, đau bụng, mệt mỏi và không thể tập trung. Không phải tất cả các loại thực phẩm hay đồ uống nào cũng có tác dụng sau nhiều giờ không ăn.

Bác sĩ Tùng dẫn chứng, theo các khuyến nghị, trong thời gian nhịn ăn, mọi người nên uống nhiều nước. Sau khi kết thúc thời gian nhịn ăn, nên tập trung vào đồ uống như: sữa, nước ép trái cây hoặc sinh tố.

Những đồ uống này sẽ giúp cung cấp một số chất dinh dưỡng mà không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa như: Đồng mangan, kali và chất xơ. Những người nhịn ăn cũng không nên sử dụng đồ uống có chứa đường, kể cả đường fructose, như nước hoa quả, nước ngọt có gas vì sẽ gây ra tình trạng đầy hơi.

“Tổ chức dinh dưỡng Anh Quốc khuyến khích, sau khi nhịn ăn, nên ăn các loại thịt và các thực phẩm giàu protein. Tùy thuộc vào độ dài của mỗi lần nhịn ăn, nên chia nhỏ khẩu phần.

Tuy nhiên, người nhịn ăn nên hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, nên ưu tiên các loại thịt nạc (ví dụ như thịt gà bỏ da, phần thịt nạc). Bởi, điều này giúp tối ưu hóa lượng dinh dưỡng nạp vào trong khoảng thời gian được ăn trở lại”, chuyên gia cho biết.

Chia sẻ về thời gian cho mỗi lần nhịn ăn, bác sĩ Tùng nêu, điều đó phụ thuộc vào chế độ ăn mà mỗi người muốn theo đuổi. Chuyên gia dẫn chứng, trong một số tôn giáo, họ tôn thờ việc nhịn ăn. Điều này đã tạo ra các câu hỏi về lợi ích sức khỏe của việc nhịn ăn. Theo tạp chí Nutrition, nhịn ăn giúp cân bằng năng lượng, hạn chế tổn thương tế bào và mô do các gốc tự do, giảm lipid máu.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Dinh dưỡng Anh Quốc, trong thời gian nhịn ăn, cơ thể sẽ sử dụng hết carbohydrate và chất béo dự trữ để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu không uống nước, thận sẽ giữ nước và gây ra mất nước nhẹ.

Bác sĩ Tùng cho biết, theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác động của nhịn ăn có giúp giảm cân hay không vẫn chưa rõ ràng. Các đánh giá dinh dưỡng của Mỹ năm 2017 hỗ trợ quan điểm rằng, nhịn ăn gián đoạn giúp giảm cân. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác không cho kết quả như vậy.

Trong ba kiểu nhịn ăn phổ biến (nhịn ăn xen kẽ trong ngày, nhịn ăn có điều chỉnh và nhịn ăn trong thời gian giới hạn) thì không có sự khác biệt đáng kể giữa phương pháp giảm cân nhịn ăn và phương pháp chế độ ăn ít năng lượng (low-calorie). Ngoài ra, nhịn ăn có thể không phù hợp với người có tiền sử rối loạn ăn uống, người mắc bệnh đái tháo đường và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.

Nhịn ăn an toàn

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đa số các phương pháp đều khuyên nên nhịn ăn trong khoảng thời gian ngắn (8 - 24 giờ). Tuy nhiên, một số người lại lựa chọn nhịn ăn lâu hơn (48 giờ thậm chí là tới 72 giờ). Nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khoẻ. Cách tốt nhất để tránh các phản ứng phụ này là thực hiện nhịn ăn trong thời gian ngắn dưới 24 giờ, đặc biệt là nếu mới bắt đầu áp dụng phương pháp. Nếu muốn tăng thời gian nhịn ăn lên trên 72 giờ, mọi người nên thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ y tế.

Theo BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, nếu có nhu cầu nhịn ăn để giảm cân hay vì một mục đích nào đó, mọi người nên tìm hiểu kỹ nhịn ăn có tác hại gì trước khi thực hiện mục đích này. Để nhịn ăn an toàn, mọi người có thể áp dụng phương pháp này chỉ trong một thời gian ngắn.

Chuyên gia gợi ý, có thể lựa chọn nhịn ăn theo mô hình 5:2 hoặc 6:1. Trong đó, mô hình 5:2 có nghĩa là cần hạn chế lượng calo nạp vào trong hai ngày/tuần. Như vậy, trong 5 ngày liền, mỗi ngày nữ giới sẽ cần nạp khoảng 500 calo, còn nam giới cần nạp khoảng 600 calo, sau đó mới nhịn 2 ngày. Mô hình 6:1 thực hiện tương tự mô hình 5:2. Song, thay vì giảm lượng tiêu thụ calo trong 2 ngày, thì mô hình này chỉ giảm tiêu thụ calo trong 1 ngày..

Cũng theo chuyên gia này, nhiều người nhịn ăn vì nỗ lực giảm cân, nhưng điều này không chỉ gây thiếu hụt calo mà còn làm cho cơ thể bị mất cơ và mỡ. Muốn giảm thiểu mất cơ khi nhịn ăn thì cần ăn đủ đạm. Những ngày nhịn ăn chỉ cần ăn một lượng nhỏ đạm thì vẫn kiểm soát cơn đói rất tốt. Đây chính là phần sẽ bù đắp vào tác dụng phụ có thể xảy ra khi nhịn ăn.

“Nhịn ăn nhiều hoặc quá lâu rất dễ khiến cơ thể suy nhược, làm chậm quá trình trao đổi chất, rối loạn nhiều chức năng trong cơ thể, đau dạ dày,... Nếu đã biết được nhịn ăn có tác hại gì thì nên có chế độ ăn uống khoa học, luyện tập hợp lý. Không nên vì mục tiêu giảm cân mà nhịn ăn không đúng cách, rất dễ đẩy cơ thể vào các tình huống nguy hiểm”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý, những người bị rối loạn ăn uống, có tiền sử rối loạn ăn uống hoặc ám ảnh về cơ thể thì không nên áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn.

Theo giaoducthoidai