leftcenterrightdel
 

 

Bơi qua dòng sông Seine đầy vi khuẩn của thủ đô nước Pháp, Ainsley Thorpe và Nicole van der Kaay ngay lập tức đến gặp bác sĩ của đội tuyển New Zealand để được tư vấn sức khỏe.

Cố vấn y tế đưa cho hai vận động viên (VĐV) ba môn phối hợp thứ mà mọi nha sĩ ghét bỏ: Hai lon nước ngọt có ga với hương vị truyền thống.

“Uống một lon nước ngọt sau cuộc đua không có gì là sai cả. Nếu tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy ai cũng nói nước ngọt có ích”, Thorpe nói.

Nhiều người thắc mắc tại sao những người khỏe nhất thế giới lại cần một lon nước ngọt sau nhiều giờ ngâm mình dưới một dòng sông ô nhiễm. Theo Wall Street Journal, hành động này xuất phát từ một mẹo vặt có từ lâu trong giới thể thao: “Cách tốt nhất để ngăn nhiễm trùng do nước bẩn là uống một lon nước ngọt thật nhiều ga”.

Nước có ga làm sạch ruột?

“Huyền thoại về nước có ga là thật”, Moesha Johnson, một VĐV thi đấu trong hạng mục bơi đường dài ở Olympic 2024, cho biết. “Chúng tôi thường uống một lon nước ngọt để ợ hơi và cố gắng ói hết nước bẩn”.

Johnson không phải VĐV duy nhất tin vào lời đồn này. Theo ghi nhận, nhiều VĐV chuyên nghiệp ở Olympic cũng sử dụng nước có ga sau nhiều giờ ngâm mình dưới sông Seine. Song, các bác sĩ cho biết không có cơ sở khoa học nào cho tin đồn nước ngọt có ga có tác dụng chống nhiễm bệnh.

Khi được thông báo về thông tin này, Johnson tỏ ra không quan tâm. “Tôi chỉ làm những gì mà các chuyên gia y tế bảo tôi làm”, cô nói. Các hãng nước ngọt có ga được VĐV sử dụng từ chối bình luận về vấn đề này.

Bơi lội đã bị cấm ở sông Seine trong hơn một thế kỷ do vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, để tổ chức các sự kiện bơi lội Olympic trên dòng sông này, thành phố Paris đã chi 1,5 tỷ USD để cố gắng làm sạch nước sông.

leftcenterrightdel
 Theo ghi nhận, nhiều VĐV chuyên nghiệp ở Olympic cũng sử dụng nước có ga sau nhiều giờ ngâm mình dưới sông Seine. Ảnh:Wall Street Journal.

Tuy nhiên, sau cuộc đua ba môn phối hợp, một số VĐV đã nhiễm bệnh. Nguyên nhân được cho là lượng E. coli hoặc các loại vi khuẩn khác của sông Seine cao hơn tiêu chuẩn an toàn, gây ra các vấn đề về sức khỏe cho người bơi qua sông.

Các VĐV đang cố gắng sử dụng các biện pháp phòng ngừa như uống nhiều men vi sinh hoặc kiểm tra y tế sau khi thi đấu. Nhiều người tin vào khả năng “làm sạch” của các loại nước ngọt.

Ý tưởng phổ biến nhất về lời đồn này là lượng axit có trong những lon nước ngọt có thể hoạt động như một chất làm sạch đường tiêu hóa. Do đó, mọi vi khuẩn từ sông Seine sẽ bị tiêu diệt. Song, TS Maria Abreu, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ cho biết: “Dạ dày của người bình thường đã có tính axit cao hơn những lon nước ngọt. Nói cách khác, nước có ga không thể hỗ trợ làm sạch đường tiêu hóa”.

“Và với các vận động viên tại Olympic - những người khỏe mạnh nhất thế giới - axit dạ dày của họ không thể nào thấp hơn một lon nước ngọt”, bà Abreu nhấn mạnh.

Bổ sung đường khẩn cấp

Theo các chuyên gia y tế, những lon nước ngọt cũng không hoàn toàn vô dụng. Hàm lượng đường có trong một lon nước ngọt thường ở mức 40 gram/lon, gần 10 muỗng cà phê đường. Lượng đường hóa học này đủ để khiến một chuyên gia dinh dưỡng rùng mình và hỗ trợ một VĐV bơi đường dài không kiệt sức.

“Huấn luyện viên khuyên tôi nên uống một lon nước ngọt để bổ sung năng lượng ngay lập tức”, Katie Grimes, VĐV bơi đường dài của Mỹ, cho biết. “Đây là một trong những dịp hiếm hoi tôi được uống nước ngọt mà không phải loại dành cho người giảm cân”.

leftcenterrightdel
 Tổ chức các sự kiện bơi lội Olympic trên dòng sông này, thành phố Paris đã chi1,5 tỷ USD(1,4 tỷ euro) để cố gắng làm sạch nước sông. Ảnh:The Globe and Mail.
 

Khi tập thể dục, cơ thể người đốt cháy năng lượng từ hai nguồn: chất béo và đường dự trữ trong cơ bắp, gan. Đường dễ bị đốt cháy và được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Khi con người vận động quá mức, ví dụ như tham gia một cuộc thi bơi đường dài ở Olympic và năng lượng dự trữ cạn kiệt, họ sẽ kiệt sức và thậm chí là ngất xỉu.

Do đó, cách tốt nhất để hồi phục năng lượng sau cuộc đua là tiêu thụ đường đơn - một loại đường có nhiều trong những lon nước ngọt. Một số VĐV còn vừa uống nước ngọt vừa đạp xe, chạy bộ để cơ thể hoạt động hiệu quả.

“Với các môn thể thao yêu cầu sức bền, các VĐV cần một lượng đường rất cao. Trong trường hợp này thì nước ngọt là một nguồn cung cấp đường hiệu quả”, TS Michelle Pearlman, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Florida, cho biết.

leftcenterrightdel
 Bơi lội đã bị cấm ở sông Seine (Paris, Pháp) trong hơn một thế kỷ do vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Ảnh:National Geographic.
 

Uống nước ngọt sau khi bơi còn có một tác dụng khác. Các VĐV thường không tránh khỏi uống một ít nước khi bơi dưới sông Seine hoặc ở một đại dương như Olympic Tokyo. “Nước có ga là cứu tinh cho vị giác của chúng tôi”, Ginevra Taddeucci, một tay bơi người Ý, cho biết. “Vị lợ lợ trong miệng làm tôi mắc ói và khó chịu”.

Emily Klueh, cựu VĐV bơi lội của Đội tuyển Mỹ, kể cô luôn thèm nước ngọt sau các cuộc thi bơi trên biển. Song điều này cũng không phải là vấn đề nếu ban tổ chức không chuẩn bị sẵn. Cô có một thứ đồ uống khác thú vị (và hiệu quả) hơn sau cuộc đua.

“Tôi nghe nói một ngụm Jägermeister (một loại rượu mạnh của Đức - PV) sẽ tiêu diệt mọi vi khuẩn và những thứ dơ bẩn có trong dạ dày”, Klueh vừa cười vừa nói.

Theo lifestyle.znews