Nhiều người không dám ăn dưa cà muối, đồ chiên rán bị cháy hay thực phẩm đóng hộp, thịt xông khói, thực phẩm chế biến sẵn khác vì cho rằng đó là những thực phẩm đó có thể gây ung thư.

Theo GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội, đối với những thực phẩm này, không nên loại bỏ hoàn toàn ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày, nếu mọi người ăn với một lượng vừa nhỏ và đúng cách, không liên tục thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

 
thuc hu thuc pham gay ung thu hinh anh 1
Không nên ăn dưa cà muối khi còn xanh.

“Ví dụ như thực phẩm đóng hộp thường có hàm lượng muối cao cũng như hàm lượng cholesterol và các yếu tố gây tăng mỡ máu, hàm lượng lipid trong cơ thể cao thì nó là tiền tố để tích lũy lâu dài và gây ra ung thư. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra điều đó nhưng không có nghĩa là mình hoàn toàn loại bỏ nó ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày của mình mà ở đây nếu ăn nhiều quá, ăn thường xuyên, ăn liên tục thì nó sẽ tích lũy đến một mức nào đó sẽ gây hại, gây ra ung thư”, GS.TS Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Tương tự đối với dưa cà muối, mọi người nên ăn ở mức vừa phải, không nên coi đó là món ăn chính trong bữa cơm và chỉ nên ăn khi dưa cà đã muối vàng. Nhiều người thích ăn dưa cà muối xổi vì thấy vị của nó ngon hơn nhưng đó lại là thói quen gây hại đối với sức khỏe bởi dưa cà khi còn xanh, chất cellulose sinh ra chất trung gian là nitrat hoặc nitrit có thể gây độc. Mặt khác, nếu dưa cà đó đã được phun hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt thì khi còn xanh chưa thể phá hủy hết chất này. Nếu người dùng ăn phải trong thời gian dài thì sẽ tích lũy trong cơ thể và có nguy cơ gây ra bệnh ung thư.

thuc hu thuc pham gay ung thu hinh anh 2
Nếu ăn hằng ngày thì khuyến cáo 100gr thịt đỏ/ngày, còn nếu 3 lần/tuần thì mỗi một lần ăn nên ở mức dưới 250gr.

Theo GS.TS Lê Thị Hương, người dân nên hạn chế ăn dưa cà vì đó cũng là thực phẩm có nhiều muối. Có những người quen ăn mặn, khi ăn nhiều dưa cà dẫn đến hàm lượng muối tiêu thụ hằng ngày cao có khả năng gây ra các bệnh như tim mạch, huyết áp và các bệnh chuyển hóa trong cơ thể, thậm chí có nguy cơ gây ung thư.

Còn đối với thịt đỏ và những loại thịt có nguồn gốc động vật. Nhiều người bệnh ung thư thường có tâm lý không dám ăn loại thịt này vì lo lắng tế bào ung thư phát triển trong cơ thể. GS.TS Lê Thị Hương cho rằng, thức ăn có nguồn gốc động vật có hàm lượng protein, chất sắt cũng như các vi chất khác đều cao. Nếu kiêng hoàn toàn thì không nên, chế độ ăn như vậy sẽ khiến cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, không đủ sức chống chọi lại những đợt điều trị hóa chất, sức khỏe suy kiệt nhanh.

“Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng giữa những người ăn thịt đỏ hằng ngày và người ăn ít trong khẩu phần thì ung thư đại trực tràng cao ở nhóm tiêu thụ nhiều thịt đỏ hơn vì vậy người ta khuyến cáo mọi người không nên ăn quá nhiều thịt đỏ nhưng cũng không nên kiêng hoàn toàn thịt đỏ”, GS.TS Lê Thị Hương cho biết.

Như vậy, mọi người không nên né tránh không ăn một loại thực phẩm nào đó vì cho rằng nó không an toàn hoặc là vì cho rằng đó là thực phẩm tốt mà lại ăn nhiều mà quên đi những thực phẩm khác cũng có lợi. Chế độ ăn hợp lý, tốt cho sức khỏe còn phụ thuộc vào việc chế biến món ăn đó như thế nào, ví dụ nếu ăn nhiều thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc … thì cũng có thể gây ra ung thư.

Theo VOV2